'Đầu tàu' trên non

Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất vùng cao khó khăn, anh Du giống như đóa hoa tỏa hương, đóng góp không ngừng nghỉ cho sự đổi thay của quê hương mình.

Anh Ma Hành Du là người dân tộc Tày, năm nay tròn 40 tuổi nhưng đã làm Trưởng xóm vùng cao đặc biệt khó khăn Lũng Cà 16 năm liên tục. Nghĩa là anh được tín nhiệm bầu giữ vai trò “đầu tàu” khi mới qua tuổi 20 một chút. Điều đặc biệt hơn, Lũng Cà là địa bàn dân cư có trên 80% là người dân tộc Mông.

Thông tin về Trưởng xóm Ma Hành Du thôi thúc chúng tôi ngược núi lên với Lũng Cà. So với chục năm về trước, đường vào xóm đã thuận lợi rất nhiều khi được tỉnh quan tâm đầu thư đổ bê tông toàn bộ theo Đề án 2037, xe máy có thể chạy bon bon dù phải về số thấp do độ dốc lớn. Căn nhà sàn của gia đình anh Du ở giữa xóm, xung quanh là rất nhiều cây ăn quả và bạt ngàn màu xanh của ngô lai đang chuẩn bị trổ cờ.

Dù đã hẹn trước nhưng chúng phải chờ khá lâu, vừa về tới ngõ, anh Du vội nói như phân trần: “Hôm nay trong xóm có hộ anh Hoàng Văn Tính vừa mới thoát nghèo và làm được căn nhà mới. Bà con người Mông có quý mới mời. Tôi tranh thủ chạy qua uống chén rượu mừng, động viên gia đình tiếp tục cố gắng vươn lên.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xóm, anh Du tự hào giới thiệu: Lũng Cà hiện có 43 hộ theo sổ sách, nếu tính nóc nhà thì chừng 60 vì một số có con lập gia đình đã ra ở riêng nhưng chưa tách khẩu. Trong tổng số này, trên 80% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là người Tày và Dao. Dù còn khó khăn nhất định nhưng nhìn chung điều kiện sống của bà con đã được cải thiện nhiều, rõ nhất là đường sá đi lại thuận lợi, nhà văn hóa xây dựng khang trang. Phần lớn các hộ đã làm được nhà ở chắc chắn, biết đầu tư trồng ngô lai, trồng cỏ để chăn bò và nuôi thêm lợn, gà.

Nhớ lại những ngày đầu làm Trưởng xóm Lũng Cà, anh Du tâm sự: “Khi ấy tôi vừa mới lập gia đình, con thì còn nhỏ. Vinh dự vì được tập thể tín nhiệm, nhưng cũng lo nhiều lắm vì mình còn trẻ và chưa có kinh nghiệm. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là bà con đã bầu thì mình làm hết trách nhiệm, vì lợi ích chung”.

Nghĩ là làm, anh bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất là dành thời gian học tiếng Mông để có thể trao đổi, nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của bà con trong xóm. Anh đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhất là việc xây dựng các công trình phụ, chăn nuôi hợp vệ sinh; tổ chức cưới hỏi, tang lễ theo hướng tiết kiệm, loại bỏ dần các hủ tục. Đồng thời vận động các gia đình tạo điều kiện cho con cháu theo học văn hóa. Bà con, nhất là đồng bào Mông, ban đầu có tâm lý e ngại, nhưng được sự kiên trì vận động theo lối “mưa dầm thấm lâu” của người Trưởng xóm trẻ tận tụy nên dần nghe và học làm theo.

Tôi từng có dịp lên Lũng Cà vào năm 2010. Thời điểm đó xóm vùng cao này gần như biệt lập với trung tâm xã bởi giao thông cách trở, dốc núi dựng đứng nên chỉ có thể đi bộ. Điện lưới quốc gia cũng chưa có. Anh Du nhớ lại: Mỗi lần dự họp ở UBND xã, tôi đi bộ mất gần 2 tiếng đồng hồ. Có hôm về muộn phải đốt lá cọ khô soi đường. Mình người lớn đã vậy, trẻ con đi học còn vất vả hơn. Trường ở xa nên chẳng có mấy đứa học hết bậc THCS.

Giờ thì Lũng Cà đã có diện mạo khác, nhưng sóng điện thoại di động vẫn còn bập bõm. Xóm chưa lắp đặt được cụm loa truyền thanh, mà nếu có thì cũng không thể vươn tới hết do địa bàn rộng, thế nên khi thông báo họp hoặc triển khai các văn bản của cấp trên thì Trưởng xóm vẫn phải đến từng nhà. Với những điểm dân cư ở xa như gần chục hộ dân tộc Mông trên đỉnh Mu Bàn thì phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới tới. Dù vất vả, nhưng anh Du coi đó là trách nhiêm, niềm vui khi được góp sức cho tập thể.

Được tin tưởng giao gánh vác việc xóm khi còn rất trẻ, rồi liên tục tái cử đến nay đã 6 khóa, theo anh Ma Hành Du thì bí quyết bên cạnh nhiệt tình, trách nhiệm là sự gương mẫu từ những việc làm cụ thể.

Sự gương mẫu từ chính trong gia đình “đầu tàu” của Lũng Cà - một trong những điển hình phát triển kinh tế của xóm. Hiện nay, ngoài trồng ngô và lúa, gia đình anh còn trồng cỏ để nuôi thêm 3 con bò, hơn chục con lợn thịt và gà thả vườn, trồng thêm một số cây ăn quả. Các công trình chăn nuôi đều được quy hoạch khoa học, vệ sinh sạch sẽ. Hay như chuyện dù có 2 con gái, nhưng hai vợ chồng quyết định không sinh thêm để có điều kiện nuôi dạy cho tốt. Niềm tự hào là con gái cả của anh chị, cháu Ma Thị Phương Uyên, đã học xong THPT, con gái út Ma Thị Bảo Châm vừa xong chương trình lớp 3 với thành tích xuất sắc.

Trong thực hiện các công trình tập thể, gia đình anh Du cũng luôn đi đầu. Điển hình nhất là làm nhà văn hóa xóm. Công trình thực hiện năm 2019 với tổng kinh phí xây dựng 330 triệu đồng, trong đó ngân sách các cấp hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại nhân dân đối ứng. Việc khó nhất khi triển khai là tìm mặt bằng, bởi xóm nằm trong lũng núi, diện tích đất công không có để xây dựng. Bàn bạc thống nhất trong gia đình, anh quyết định hiến mảnh đất ở trung tâm xóm đứng tên bố đẻ mình là ông Ma Khánh Bằng có diện tích 136m2. Từ sự gương mẫu của anh, 3 hộ khác đã cùng hiến thêm đất để tạo mặt bằng sạch rộng hơn 300m2 phục vụ thi công.

Hay việc đổ bê tông các tuyến đường, phần lớn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ nhưng người dân phải chủ động giải phóng mặt bằng. Để làm gương, anh Du và mọi người trong dòng họ cũng tiên phong hiến đất và tham gia đào đắp lề đường.

Với những đoạn phải đối ứng, Trưởng xóm Lũng Cà có cách triển khai phù hợp. Anh kể: Mấy năm trước, xóm thực hiện hơn 300m đường bê tông, nếu chia ra trung bình mỗi hộ phải đóng chừng 2 triệu đồng đối ứng. Với một số hộ còn khó khăn thì đây là số tiền lớn. Tôi tổ chức họp bàn công khai cả xóm, thống nhất chia thành các mức. Những hộ hưởng lợi trực tiếp đóng mức nhiều hơn. Gia đình có điều kiện kinh tế, đảng viên, cán bộ đoàn thể nộp trước để tạo khí thế; hộ khó khăn thì cho nộp thành nhiều đợt để bớt gánh nặng. Trong quá trình thi công, bà con cùng tham gia làm những phần việc có thể để giảm đối ứng tiền mặt, cũng là cách để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó.

Anh Hoàng Văn Páo, người dân xóm Lũng Cà, nói: Anh Du làm được rất nhiều việc cho xóm, chúng tôi luôn tin tưởng và sẽ tiếp tục tín nhiệm bầu là Trưởng xóm.

Cùng Trưởng xóm Ma Hành Du đến thăm các hộ dân ở xóm Lũng Cà, từ khu Piêng Luông, Nặm Lù, Lọ Muồi, Co Cam, Bo Cái tới Mu Màn, ở đâu chúng tôi cũng thấy bà con cũng trò chuyện với anh bằng sự trìu mến và cởi mở. Sự tin tưởng của người dân chính là động lực để anh tiếp tục cố gắng.

Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất vùng cao khó khăn, anh Du giống như đóa hoa tỏa hương, đóng góp không ngừng nghỉ cho sự đổi thay của quê hương mình.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202306/dau-tau-tren-non-e6a27e3/