Đấu thầu gói thầu 'khủng' nhất dự án sân bay quốc tế Long Thành, chưa xong đã vướng khiếu nại
Theo thông báo của bên mời thầu là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, liên danh Vietur do một nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu 35.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Liên quan đến việc, một liên danh nhà thầu đã có đơn khiếu nại liên quan đến công tác đấu thầu gói thầu “khủng” nhất, gói thầu 5.10 trị giá hơn 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay quốc tế Long Thành, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết ACV đã nhận được khiếu nại của liên danh Hoa Lư gửi rất nhiều cơ quan, trong đó có ACV, nội dung liên quan đến sân bay Long Thành.
Theo đó, ACV với tư cách là chủ đầu tư và bên mời thầu sẽ trả lời các khiếu nại của nhà thầu trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn của nhà thầu theo điều 92 của Luật Đấu thầu.
Theo thông báo của bên mời thầu là ACV ngày 1/8, liên danh Vietur do một nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu 35.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. ACV đã đề nghị đại diện của liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8 tại trụ sở của ACV ở TP.HCM.
Tuy nhiên, ngày 2/8, liên danh Hoa Lư - một trong 3 nhà thầu tham gia đấu thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành, đã có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong đơn tố cáo, Hoa Lư cho rằng nhà thầu ngoại Thổ Nhĩ Kỳ IC Holdings chưa có kinh nghiệm tại Việt Nam, lãnh đạo của công ty này cũng vướng nghi án tham nhũng...
Liên danh Hoa Lư gồm: Công ty CP Coteccons (đứng đầu liên danh) - Công ty TNHH Đầu tư UNICONS - Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng DELTA - Công ty Xây dựng Central - Công ty Xây dựng An Phong - Công ty Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Công ty ngoại duy nhất tham gia liên danh này là doanh nghiệp đến từ Thái Lan - Công ty Power Line Engineering Public (PLE).
Theo giới thiệu, PLE được thành lập từ năm 1988, hiện sở hữu 5 công ty con. Ban đầu công ty này tập trung vào các gói thầu cơ điện nhưng sau đó đã mở rộng thành một nhà thầu xây dựng và kỹ thuật ở các dự án văn phòng, khách sạn, bệnh viện... tại Thái Lan.
Trong lĩnh vực sân bay, năm 2020, PLE đã hoàn thành dự án sân bay vệ tinh tại Bangkok (Thái Lan) nhằm kết nối giữa sân bay mới và nhà ga cũ của sân bay Suvarnabhumi.
Trong 5 năm tài chính gần đây nhất, nhà thầu Thái Lan này có lãi 3 năm và lỗ 2 năm. Trong đó, năm 2022 doanh nghiệp này lỗ trước thuế là hơn 257 triệu bath, tương ứng hơn 170 tỷ đồng Việt Nam.
Còn Vietur là liên danh của 10 công ty, trong đó Tập đoàn Công nghiệp và thương mại xây dựng IC Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu liên danh. Ngoài những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng, có 3 doanh nghiệp là Ricons, Newtecons, Sol E&C.
Đáng chú ý, nhà thầu còn lại trong 3 liên danh cũng trượt vòng đấu thầu kỹ thuật là liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors tới nay vẫn chưa có động thái nào.
Liên danh này gồm China Harbour Engineering Company Limited và CHEC (đại diện thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc). Theo giới thiệu, đây là những nhà thầu hàng đầu Trung Quốc thi công rất nhiều dự án lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... trên toàn cầu.