Đấu thầu vàng miếng, giải pháp tăng cung tình thế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp tổ chức đấu thầu vàng SJC sau 11 năm tạm dừng, để tăng cung cho thị trường. Động thái mới nhất của cơ quan quản lý này được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, sẽ tác động tới giá vàng.
Thế giới giữ đà tăng, trong nước lình xình quanh 84 triệu đồng/lượng
Trong phiên giao dịch sáng 16/4, giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng mạnh, trong khi giá vàng trong nước tăng nhẹ. Lúc 11 giờ ngày 16/4, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 82,3-84,3 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng chiều mua vào và 1.000.000 đồng ở chiều bán ra so với giá đóng cửa phiên trước. Giá nhẫn tròn trơn ở mức 75-76,9 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng mỗi lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,9-2,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng miếng SJC vẫn chưa lấy lại đỉnh cũ (thiết lập ngày trước đó 15/4) 85,5 triệu đồng và nhẫn tròn trơn SJC cũng chưa lấy lại đỉnh 79 triệu đồng/lượng thiết lập trưa ngày 15/4.
Trên thị trường quốc tế, cùng thời điểm 11 giờ trưa ngày 16/4 (giờ Việt Nam) giá vàng tăng rất mạnh, giao dịch quanh 2.386,04 USD/ounce, tăng 30,6 USD so với đêm qua. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương gần 73 triệu đồng/lượng (chưa gồm thuế, phí). Mức giá này thấp hơn vàng SJC Việt Nam 11,2 triệu đồng mỗi lượng.
Việc NHNN đấu thầu vàng miếng trở lại được kỳ vọng sẽ dần kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Hiện nay, có 26 đơn vị bao gồm cả các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Tính đến thời điểm này, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, ngoài thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. NHNN và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và triển khai công tác ngay trong tháng 4 này.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân gây chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là do cung - cầu. "Cung không có mà cầu vẫn tăng, giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước tăng. Nếu nguồn cung ít hơn nữa sẽ làm khoảng cách chênh lệch giá ngày càng lớn"- ông Long nói.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI Lưu Chí Kháng phân tích, việc NHNN đấu thầu vàng miếng là cung ứng vàng ra thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hút tiền VND về. Việc bán vàng hút tiền VND về cũng được xem là một biện pháp thắt chặt tiền tệ, giúp thanh khoản bớt dư thừa, qua đó giúp tỷ giá USD/VND bớt căng. Giá vàng trong nước sẽ thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới.
Không thể kéo dài nhập vàng vật chất
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung - cầu, kéo giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới chỉ là giải pháp nhất thời.
“Đấu thầu vàng miếng vẫn là giải pháp trong ngắn hạn để tăng cung và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Còn lộ trình đấu thầu trong bao lâu và sau đấu thầu là gì vẫn chưa thể nói trước được" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Nguyễn Thế Hùng nói, đồng thời cho biết, đây chỉ là giải pháp trước mắt khi chờ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC) Trần Văn Đang cho biết, nhu cầu mua vàng miếng SJC vẫn cao khi nhà đầu tư lo ngại xung đột ở Trung Đông leo thang. NHNN sắp đấu thầu vàng miếng đã ngay lập tức làm cho giá vàng SJC giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng vào chiều 15/4, thu hẹp đáng kể chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. "Tuy nhiên, không ai biết được sau khi giá giảm vài ngày, người dân sẽ bán ra vàng miếng SJC hay mua vào? Vì thế, xu hướng của giá vàng trong nước thời gian tới rất khó lường" - ông Đang nói.
Theo một chuyên gia tài chính, NHNN không thể kéo dài các phiên đấu thầu vàng miếng, cũng không thể chào bán vàng với giá thấp hơn giá thị trường quá nhiều. Nếu NHNN bán thấp hơn quá nhiều sẽ làm mất vốn Nhà nước.
“Dự trữ ngoại hối của NHNN hiện chỉ có 100 tỷ USD, chỉ vừa chạm ngưỡng an toàn an ninh tài chính tiền tệ”- GS. TS Trần Ngọc Thơ nói.
Theo tính toán của tổ chức cung cấp dữ liệu kinh tế CEIC, với mức giá 2.380 USD/ounce hiện nay, mỗi tấn vàng nhập khẩu phải chi ra khoảng 76,5 triệu USD. Nếu cũng nhập 70 tấn như năm 2013, NHNN sẽ cần khoảng gần 5,36 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, đưa vàng vật chất ra nhiều có thể dẫn tới hiện tượng dân đổ xô đi mua vàng. Trong bối cảnh hiện nay, phải triển khai đồng bộ giải pháp, phải sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
“Giá mua - bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống. Điều này giúp không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân" - ông Long nhấn mạnh.
Hiệp hội VGTA cũng cho rằng, cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do sở giao dịch hàng hóa ban hành).
Hiện, giá vàng trong nước biến động rất mạnh thời gian gần đây, tăng giảm hàng triệu đồng/lượng chỉ trong một phiên, nên nhiều người quay trở lại lướt sóng vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người dân giá vàng đang rất khó lường do biến động theo những diễn biến địa chính trị tại Trung Đông (Iran và Israel), tại Ukraine... cũng như chính sách tiền tệ của Mỹ và nhiều nước khác chưa kể, rủi ro chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước cũng ở mức cao.
Sáng 16/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam hiện ở mức 24,096 VND/USD tăng 14 VND. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tăng mạnh. Vietcombank có mức mua vào là 24.930/USD và mức bán ra là 25.300 đồng/USD, tăng 120 đồng ở cả 2 chiều mua - bán. Tỷ giá USD trên thị trường tự do giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.519 – 25.589 VND/USD tăng 9 đồng ở chiều mua vào và 82 đồng chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-thau-vang-mieng-giai-phap-tang-cung-tinh-the.html