Dầu thô sắp trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ
Lần đầu tiên trong lịch sử, dầu thô được dự báo trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm nay. Điều này làm nổi bật ảnh hưởng ngày càng tăng của hoạt sản xuất và xuất khẩu dầu từ Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng trong những năm gần đây. Kể từ sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ vào năm 2025, dầu thô của Mỹ ngày càng tràn ngập và đóng vai trò quan trọng trên thị trường, đặc biệt là sau cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow cùng chính sách áp giá trần với dầu thô của Nga. Mỹ đã định hình lại thị trường dầu toàn cầu bằng cách tăng xuất khẩu dầu thô lên hơn 30 lần trong thập niên qua.
Nguồn cung dầu của Mỹ bù đắp phần nào mức cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu trong nửa đầu năm nay. Sản lượng dầu thô trung bình hàng ngày của Mỹ dự kiến đạt các mức kỷ lục mới 12,92 triệu thùng và 13,12 triệu thùng/ngày lần lượt vào năm 2023 và 2024, theo báo cáo của Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Xuất khẩu dầu của Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục, trung bình 3,99 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023, tăng gần 20% so với nửa đầu năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của nước này cũng tăng mạnh, vào khoảng 0,566 tỉ mét khối khí đốt xuất khẩu mỗi ngày, mức cao nhất trong sáu tháng đầu năm nay.
Kim ngạch khẩu dầu của Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 75,02 tỉ đô la. Đây là kim ngạch cao hơn tổng giá trị xuất khẩu dầu của bất kỳ năm trọn vẹn nào, trừ năm ngoái. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu dầu của Mỹ đạt kỷ lục 119,37 tỉ đô la, tăng 71,71% so với năm 2021.
Xét cả về khối lượng và giá trị, dầu thô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, tính đến tháng 8-2023. Dự kiến, ngôi vị dẫn đầu của dầu thô sẽ duy trì trong cả năm 2023. Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ, dầu thô là mặt hàng mang lại doanh thu xuất khẩu hàng năm lớn nhất, theo phân tích của Ken Roberts, người sáng lập công ty theo dõi xuất khẩu WorldCity của Mỹ.
Chỉ riêng trong tháng 8, giá trị xuất khẩu dầu đạt mức 10,3 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ ( 6%), tiếp đến là xăng và các nhiên liệu khác, theo dữ liệu của WorldCity. Xét về khối lượng xuất khẩu, thị phần của dầu cũng cao nhất ở mức 24%, tiếp theo là khí đốt hóa lỏng ( LNG), xăng và các nhiên liệu khác. Theo báo cáo phân tích của Roberts, được công bố trên tạp chí Forbes, dầu sẽ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ khi số liệu năm 2023 được công bố vào đầu năm tới.
Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô vào năm 2015, Mỹ đã tăng tốc xuất khẩu đồng thời đẩy mạnh sản xuất. Sự trỗi dậy này rõ rệt hơn trong hai năm qua, nhờ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các loại dầu có giá cạnh tranh trong bối cảnh OPEC+ cắt giảm nguồn cung và dầu thô của Nga bị phương Tây trừng phạt.
Các nhà phân tích cho biết, sản lượng dầu thô của nước này tăng cao đã giúp ổn định thị trường khi phương Tây kìm hãm xuất khẩu năng lượng của Nga bằng lệnh cấm vận và cơ chế giá trần.
Dầu thô của Mỹ chủ yếu là loại nhẹ hơn và ngọt hơn, không giống như các loại dầu hàng đầu từ Nga và Trung Đông. Dù vậy, xuất khẩu của Mỹ đã bù đắp một phần cho việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong những tháng gần đây.
EIA cho biết, trong nửa đầu năm 2023, châu Âu là điểm đến hàng đầu của dầu thô Mỹ tính theo khối lượng, ở mức 1,75 triệu thùng/ngày. Trong đó, xuất khẩu dầu của Mỹ sang Hà Lan và Anh chiếm khối lượng lớn nhất. Châu Á là thị trường lớn thứ hai, mua trung bình 1,68 triệu thùng/ngày. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước mua dầu thô lớn nhất của Mỹ tại châu Á. Mỹ cũng xuất khẩu khối lượng dầu thô nhỏ hơn đáng kể sang Canada, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Trong vòng chưa đầy một thập niên kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ, dầu của Mỹ đã trở nên quan trọng đối với thị trường toàn cầu. Hồi tháng 6, dầu WTI Midland của Mỹ được Công ty thông tin thị trường hàng hóa S&P Global Platts thêm vào rổ các loại dầu thô Brent sử dụng như chuẩn mực định giá hợp đồng dầu được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.
Theo Oil Price, Forbes