Đấu tố nhau vì bị cấm dùng điện thoại ở trường

Sau nhiều tháng, giáo viên ở Hà Nội nhận thấy quy định cấm học sinh dùng điện thoại chỉ có tác dụng ở trường, trẻ về nhà vẫn dùng nếu không quản lý chặt.

 Trường học cấm học sinh dùng điện thoại, chỉ được sử dụng với mục đích học tập theo hướng dẫn của giáo viên. Ảnh minh họa: THPT Nguyễn Du.

Trường học cấm học sinh dùng điện thoại, chỉ được sử dụng với mục đích học tập theo hướng dẫn của giáo viên. Ảnh minh họa: THPT Nguyễn Du.

Hà Nội đã bắt đầu cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường từ tháng 10/2024. Nhưng nhiều tháng trôi qua, chị Hà Anh, phụ huynh tại Hà Nội, vẫn thấy tình hình của con trai chưa có nhiều thay đổi. Trên lớp, con phải giao nộp điện thoại trước giờ học, chỉ được trả lại sau khi tan lớp. Về nhà, được “thả tự do”, con lại vùi vào điện thoại.

Đến kỳ nghỉ hè, không cần đi học, thời gian tiếp xúc với màn hình của con chị Hà Anh càng tăng mạnh. Bố mẹ đều bận đi làm cả ngày, con ở nhà với ông nội. Không ai quản, con lại dùng điện thoại nhiều hơn trước.

Trường cấm dùng, tịch thu điện thoại

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Hà Anh cho biết con trai chị học THCS - độ tuổi dễ nghiện điện thoại nếu được tiếp xúc quá nhiều. Trên lớp, con không được dùng nên khi về nhà, chị vẫn cho phép con sử dụng trong 2 giờ mỗi ngày. Nhiều khi, con lấy lý do làm bài tập để sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, nhưng cuối cùng lại sa vào các niềm vui trên mạng xã hội.

Nói thêm về việc cấm học sinh dùng điện thoại trên lớp, chị Hà Anh cho biết con chị không dám dùng khi đã bị cấm, nhưng một số bạn khác vẫn lén dùng, bị phát hiện và bị phạt. Nhìn chung, người mẹ thấy cấm là tốt, nhưng công tác triển khai ở thời điểm hiện tại chưa thực sự mang lại tác động sâu rộng và tạo thói quen tốt cho học sinh.

Đồng tình với ý kiến của chị Hà Anh, một giáo viên tại trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) nói rằng việc giám sát học sinh một cách tuyệt đối là điều không dễ dàng. Một số học sinh vẫn cố tình giấu điện thoại, lén lút sử dụng trong lớp. Điều này khiến giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, thậm chí đối mặt với những mâu thuẫn nhỏ giữa học sinh.

“Lớp tôi dạy thường xảy ra tình trạng tố cáo lẫn nhau. Em này dùng điện thoại, bạn khác từng bị thu, biết chuyện lại đem ra so bì, tố cáo. Một lần, tôi thu điện thoại của học sinh, các em còn trách là ‘cô không hiểu bọn con’”, cô giáo này kể.

 Trường THCS Hoàng Mai bố trí tủ lớn cạnh bàn giáo viên làm nơi bảo quản điện thoại của học sinh. Ảnh: FBNT.

Trường THCS Hoàng Mai bố trí tủ lớn cạnh bàn giáo viên làm nơi bảo quản điện thoại của học sinh. Ảnh: FBNT.

Trường nơi giáo viên này công tác đã triển khai quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động từ khi trường mới thành lập vào năm 2021. Theo đó, mỗi sáng đầu giờ, học sinh phải nộp điện thoại vào tủ chuyên dụng đặt ngay trong lớp học.

“Trường sắm tủ lớn, có khóa để cất giữ điện thoại. Nếu cần dùng, học sinh phải xin phép giáo viên chủ nhiệm hoặc để phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên”, cô giáo thông tin.

Việc kiểm soát học sinh dùng điện thoại cũng được thắt chặt ngay từ đầu năm học bằng hình thức ký cam kết giữa phụ huynh và nhà trường. Cô giáo này cho biết không chỉ ở THCS Hoàng Mai, ở trường cũ nơi cô từng giảng dạy, hình thức ký cam kết này cũng được áp dụng để nhấn mạnh trách nhiệm của cả phụ huynh lẫn học sinh.

Tương tự, thầy Chí Bình, giáo viên tại một trường THCS ở Hà Nội, cũng cho biết nhà trường áp dụng quy định này từ năm 2024, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Trường của thầy cũng có tủ khóa riêng, học sinh phải nộp điện thoại trước khi vào giờ học.

Tuy nhiên, quy định có ngoại lệ. Vào những buổi dự giờ, học sinh được sử dụng điện thoại theo hướng dẫn của giáo viên để phục vụ cho tiết học. Nhưng nhìn chung, các tiết dự giờ không nhiều. Học sinh vẫn phải nộp điện thoại. Nếu vi phạm quy định, học sinh đó sẽ bị phạt và tịch thu điện thoại đến cuối năm học mới trả.

"Tịch thu điện thoại đến cuối năm" cũng là điều mà cô giáo ở trường THCS Hoàng Mai đề cập khi nói đến hình thức xử phạt các học sinh vi phạm. Dù được phần đông phụ huynh ủng hộ, cô giáo vẫn thấy cách xử lý này chưa hợp lý. Bởi vì nếu để điện thoại cả năm không dùng đến, điện thoại dễ hỏng. Lúc đó, chính giáo viên cũng rơi vào tình huống khó xử.

Còn nhiều băn khoăn

Về hiệu quả của việc áp dụng quy định, cô giáo tại trường Hoàng Mai cho rằng việc cấm điện thoại chỉ có tác dụng rõ ràng trong môi trường học đường. Ở trường, khi không có điện thoại, học sinh sẽ tập trung học, không thể làm việc riêng. Nhưng về nhà, các con lại “như cánh chim tự do”, rất khó kiểm soát.

Ngoài vấn đề khó kiểm soát học sinh sau giờ học, cô giáo ở trường THCS Hoàng Mai cũng chỉ ra những bất cập khi quy định cấm điện thoại chưa thật sự linh hoạt. Một số hoạt động học tập như làm bài kiểm tra trực tuyến, thực hành qua ứng dụng sẽ bị ảnh hưởng.

“Tôi muốn sáng tạo, áp dụng công nghệ trong giờ học cũng khó. Lớp 40 học sinh, giao điện thoại cho 2-3 em thực hành lại không công bằng. Nhưng nếu giao hết cho cả lớp, tôi rất khó kiểm soát tình trạng trẻ dùng điện thoại cho mục đích khác ngoài việc học”, cô nói

Thầy Chí Bình cũng nêu điều tương tự. Theo thầy, cấm điện thoại ở trường chỉ có hiệu quả ở trường. Học sinh ở trường thầy khá nghiêm chỉnh chấp hành, ít trường hợp vi phạm nội quy vì sợ bị thu điện thoại. Nhưng ở nhà, thầy giáo không đảm bảo học trò sẽ nghiêm chỉnh.

"Ở trường, các con chấp hành tốt. Nhưng khi về nhà, các con dùng điện thoại thế nào, dùng trong bao lâu, giáo viên chúng tôi không kiểm soát được", thầy giáo nói.

 Học sinh bị cấm dùng điện thoại ở trường, nhưng về nhà vẫn có thể tự do sử dụng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Học sinh bị cấm dùng điện thoại ở trường, nhưng về nhà vẫn có thể tự do sử dụng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các nhà nghiên cứu tại Anh từng công bố một nghiên cứu có kết quả tương tự những lo ngại mà 2 giáo viên chia sẻ. Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên trang Lancet's Regional Health Europe vào ngày 4/2 chỉ ra rằng những trường học cấm điện thoại và không cấm điện thoại không có sự khác biệt về mặt thể chất, tinh thần của trẻ, cũng không làm giảm tổng thời gian trẻ dùng đồ điện tử trong một ngày.

Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã đánh giá 1.227 học sinh đến từ 30 trường trung học ở Anh. Nghiên cứu phát hiện thời gian sử dụng màn hình tăng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, hành vi, hoạt động thể chất và chu kỳ giấc ngủ của học sinh nói chung.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận không bằng chứng nào có thể chứng minh những quy định, chính sách hạn chế dùng điện thoại ở trường có lợi cho sức khỏe tâm thần của thanh, thiếu niên. Nhìn chung, những biện pháp can thiệp nhằm giảm thời gian dùng điện thoại, mạng xã hội ở trẻ có thể tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần, nhưng chỉ cấm ở trường là chưa đủ mà phải áp dụng song song ở trong và ngoài trường học.

Về phía trường học Việt Nam, sau nhiều tháng triển khai, cô giáo ở trường THCS Hoàng Mai cho rằng điều quan trọng là cần đặt ra quy định linh hoạt, cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian giới hạn và với mục đích học tập cụ thể.

Bên cạnh đó, cô cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Khi ban hành quy định, nhà trường cần tạo sự đồng thuận cao từ cả giáo viên và phụ huynh, đồng thời có cơ chế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy học hiện nay.

Chung quan điểm, thầy Chí Bình cho rằng cha mẹ học sinh cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý thời gian sử dụng điện thoại của học sinh, bởi không phải em nào cũng có ý thức tự giác. Trong trường hợp học sinh cần sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin cho bài tập, giáo viên sẽ thông báo cụ thể với phụ huynh qua nhóm chat của lớp. Khi đó, các em mới được phép sử dụng thiết bị này ở trường.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dau-to-nhau-vi-bi-cam-dung-dien-thoai-o-truong-post1567653.html