Đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả dịp lễ, Tết: Cần phối hợp đồng bộ
Gian lận thương mại, hàng giả không chỉ là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng, mà còn làm mất giá trị của thương hiệu hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế. Để chủ động kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời tình trạng này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng, nhất là khi thời điểm dịp lễ, Tết đang đến gần.
Lực lượng chức năng kiểm tra bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Thủ đoạn tinh vi, phức tạp
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (số 9A, ngõ 80 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) mua 1 chiếc đồng hồ hiệu Casino với giá hơn 3 triệu đồng tại một cửa hàng trên phố Cầu Giấy; tuy nhiên, mới sử dụng được ít ngày chiếc đồng hồ đã trục trặc. Mang đi kiểm tra, ông Hùng rất bất bình khi biết đó là hàng giả... Không riêng ông Hùng là nạn nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái…, mà nhiều người tiêu dùng Việt cũng đã từng gặp phải câu chuyện tương tự do không thể nhận biết được sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả.
Nói về nạn hàng giả, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Đối ngoại và truyền thông L’Oreál Việt Nam cho biết: “Hiện, khoảng 60% thị trường mỹ phẩm của L’Oreál tại Việt Nam bị lấn lướt bởi hàng xách tay và hàng giả. Việc quảng cáo hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy, gây nhầm lẫn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng”.
Cùng chung nỗi bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Hùng Long trăn trở: "Với công nghệ phát triển như hiện nay, hàng giả được làm rất tinh vi. Người bán hàng online chụp hình ảnh sản phẩm, thông số kỹ thuật của sản phẩm thật của công ty để đăng; họ bán bằng giá của công ty, sau đó áp dụng giảm giá 50% và khi giao hàng cho khách thì giao hàng giả. Kiểu cạnh tranh như vậy khiến công ty rất khó bán hàng".
Theo ông Vũ Xuân Bính, Phụ trách Phòng Nghiệp vụ 2 (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương), tình trạng vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu trong nước câu kết với các đối tượng nước ngoài từ khâu sản xuất đến phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan chức năng. Đáng chú ý, do lượng hành khách xuất, nhập cảnh và hàng hóa xuất, nhập khẩu dịp cuối năm tăng nên các đối tượng thường lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng để cất giấu ma túy, các loại tân dược có tính chất gây nghiện, vũ khí, vật liệu nổ, hàng giả, hàng có thuế suất cao... gây khó khăn cho công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lớn. Điển hình như vụ quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu đã bị lực lượng chức năng xử lý trong đợt ra quân vào tháng 10 và 11-2019 tại khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square (thành phố Hồ Chí Minh). Hay như vụ bắt tận gốc nơi sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…
Riêng tại Hà Nội, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo thành phố về Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội) đã thanh tra, kiểm tra hơn 27.430 vụ, xử lý 23.301 vụ; khởi tố hình sự 100 vụ, với 124 đối tượng về những tội liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu.
Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái mua bán trên môi trường mạng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp nhưng trên thực tế, các chế tài xử lý chưa được hoàn thiện, đặc biệt là việc thu thập thông tin, chứng cứ bảo đảm căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm.
Cần giải pháp hữu hiệu
Lực lượng chức năng thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện đồng hồ, ba lô, túi xách… nghi bị làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo việc gian lận thương mại sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, cần tăng cường hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong việc theo dõi sát thị trường, chủ động tố giác vi phạm về gian lận thương mại.
Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội nêu rõ, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hội chợ hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ phối hợp triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Về giải pháp trong đấu tranh chống buôn lậu, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa công tác quản lý thị trường. Tổng cục cũng triển khai kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về gian lận thương mại, hàng giả, không rõ nguồn gốc... từ nay đến hết năm 2020. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, ngăn chặn triệt để, tránh tái phạm tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường và các đơn vị liên quan trong trường hợp để xảy ra vi phạm.