Đấu tranh đẩy lùi tội phạm ma túy bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, từ khi Chỉ thị số 21 được ban hành đến nay, công tác đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng; Ngăn chặn, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức vận chuyển ma túy… Xóa nhiều điểm, tụ điểm và chuyển hóa được nhiều địa bàn phức tạp về ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Chiều 9/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có: Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm... Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Giám đốc công an các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian qua tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến hết sức phức tạp, là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia, có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Ngày 30/11/1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Sau khi tổng kết Chỉ thị số 06, ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khóa X) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn các kế hoạch, giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy và đạt được những kết quả qua trọng trên nhiều mặt. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, thống nhất nhận thức và hành động một cách đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy…
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”.
Theo đó, về công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy, các lực lượng chuyên trách đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ tổ chức phòng ngừa và đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; liên tục mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm về ma túy. Phối hợp với các địa phương xây dựng và triệt xóa các điểm nóng, phức tạp về ma túy như: Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu (Hòa Bình); xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La); giải quyết tình hình phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới Sơn La (Việt Nam) và Hủa Phăn (Lào)… Việc thực hiện các kế hoạch và phương án trên đã kiềm chế tình hình tội phạm ma túy và bước đầu làm chuyển biến tình hình an ninh - trật tự ở địa phương.
Trong 10 năm (2008 - 2018), lực lượng chức năng đã bắt giữ 200.428 vụ/302.045 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng hơn hơn 48% cả về số vụ và hơn 40% số đối tượng so với 10 năm trước đó); thu giữ 7.685kg heroin, 850kg thuốc phiện, 3.131 kg và 4.356.921 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tài sản tang vật khác có giá trị. Trong đó, lực lượng công an bắt giữ xử lý khoảng 90% số vụ việc; triệt phá bắt giữ hàng trăm đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia và liên quan quốc tế, góp phẩn ngăn chặn ma túy nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, từ khi Chỉ thị số 21-CT/TW được ban hành đến nay, công tác đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng, ngăn chặn và triệt phá nhiều đường dây, tổ chức vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, xóa được nhiều điểm, tụ điểm và chuyển hóa được nhiều địa bàn phức tạp về ma túy, góp phần trong công cuộc bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân…
Quán triệt Chỉ thị số 36-CT/TƯ và kế hoạch thực hiện của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chỉ thị được ban hành nhằm mục đích phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy.
Dưới sự điều hành của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, hội nghị thảo luận làm rõ những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TƯ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TƯ.
Kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, qua thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TƯ đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và điều tra truy tố xét xử tội phạm về ma túy. Từ đó đã góp phần quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công tác phát triển kinh tế - xã hội.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ ra một số thách thức, khó khăn trong công tác phòng chống ma túy trong tình hình hiện nay: Cần tiếp tục quán triệt cho cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống ma túy. Song song, cần quan tâm hơn nữa giải quyết vấn đề xã hội tại địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy.
Cùng với đó, đề nghị các đơn vị, địa phương ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác phòng, chống ma túy, bên cạnh tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Đồng thời trú trọng công tác tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người sau cai; Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược phòng, chống ma túy cho giai đoạn tiếp theo...