Đấu tranh, ngăn chặn đánh bắt thủy sản trái phép trong mùa nước nổi

Lợi dụng mùa nước, nguồn lợi thủy sản nhiều, một số đối tượng thường xuyên sử dụng các công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép.

Phương tiện khai thác thủy sản trái phép bị tạm giữ

Phương tiện khai thác thủy sản trái phép bị tạm giữ

Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, do địa bàn có nhiều kênh rạch, vào mùa nước nổi, thời điểm người dân thu được nhiều nguồn lợi thủy sản từ thiên nhiên nên để bắt được nhiều thủy sản trong mùa này, một số đối tượng đã sử dụng xung, kích điện khai thác thủy sản trái phép.

Thực hiện cao điểm đấu tranh phòng chống xâm hại nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, Công an tỉnh Đồng Tháp đã mở đợt cao điểm tấn công, bắt giữ một số đối tượng có hành vi khai thác thủy sản trái phép.

Điển hình, Công an thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông đã phối hợp với phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tuần tra kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tuyến kênh Tháp Mười số 1, thuộc thủy phận khóm 5, thị trấn Tràm Chim. Qua đó, phát hiện ghe gỗ do ông Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1981 ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông đang sử dụng kích điện để khai thác thủy sản trái phép. Tang vật thu giữ là 1 Dyano phát điện cùng một số tang vật có liên quan. Công an huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng.

Ảnh hưởng rất lớn đến môi trường

Thiếu tá Bùi Thanh Em - Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tam Nông cho biết: "Phương thức đối tượng sử dụng là kích điện, xiệt tay khai thác thủy sản trái phép. Ngoài ra, một số đối tượng sử dụng ghe, khung cào, cào điện để khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn, khi lực lượng truy bắt các đối tượng gở bỏ các đi mô điện để đối phó với lực lượng công an".

Tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện Tam Nông đã bắt 23 vụ, xử lý 24 đối tượng tàng trữ, sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép, thu giữ 23 bộ dụng cụ kích điện cùng một số tang vật khác có liên quan.

Hậu quả của việc khai thác thủy sản trái phép bằng hình thức dùng xung, kích điện làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Lý do, sau khi các đối tượng sử dụng nguồn điện thì các loại thủy sản nhỏ sẽ bị tiệt chủng, còn nếu thủy sản lớn hơn sẽ bị nguồn điện làm gẫy xương không phát triển.

Ngoài việc các loài thủy sản bị ảnh hưởng do nguồn điện, việc sử dụng nguồn điện khai thác thủy sản trái phép còn rất nguy hiểm đến những người xung quanh. Nhất là khi sử dụng nguồn điện khai thác nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt ảnh hưởng đến một số người dân làm nghề chân chính bằng lưới câu lợp lờ.

Thời gian tới, để đấu tranh phòng chống đối tượng xâm hại nguồn lợi thủy sản trái phép trên địa bàn huyện, Công an tỉnh Đồng Tháp tổ chức rà soát lập danh sách từng đối tượng sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản trái phép cho làm cam kết không tái phạm. Tiếp xúc từng đối tượng để xem điều kiện hoàn cảnh, tham mưu công an các huyện làm việc với cơ quan có liên quan, sẽ hỗ trợ nguồn vốn để các đối tượng có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, ngoài công tác phòng ngừa đấu tranh với hành vi khai thác thủy sản trái phép của lực lượng công an, rất cần mỗi người dân tích cực tham gia tố giác hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản đến cơ quan chức năng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dau-tranh-ngan-chan-danh-bat-thuy-san-trai-phep-trong-mua-nuoc-noi-102241013171148992.htm