Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về đường lối đối ngoại của Việt Nam
Qua gần 40 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao Việt Nam ngày một trưởng thành, đã có những đóng góp to lớn và quan trọng, góp phần tạo nên những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tuy nhiên, trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam luôn là mục tiêu mà các thế lực thù địch luôn nhắm tới, nhằm chống phá cách mạng. Vì vậy, bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về đối ngoại là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.
Lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, các diễn đàn, các blog, facebook cá nhân, thông qua cái mác là những “ý kiến”, “bình luận”, “phản biện”, “phản biện trên tinh thần xây dựng”, “tâm thư”, “tư vấn”, các “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ”, “học giả” tự xưng cố tình tạo ra trong dư luận những “cơn sóng ngược”, gieo rắc những luồng ý kiến phản khoa học. Chúng liên tục đăng những thuyết âm mưu, dự báo thiếu căn cứ nhằm hướng lái dư luận Việt Nam theo hướng tiêu cực từ đó xuyên tạc chính sách, đường lối ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nguy hiểm hơn, chúng rất khéo léo khi đổi trắng thay đen, thay đổi bản chất của các đường lối ngoại giao: dùng bức bình phong là lợi ích dân tộc, lòng yêu nước, tự do, dân chủ, hòa bình núp bóng phản biện khoa học, dân chủ và những giá trị rất nhân văn.
Chúng công khai xuyên tạc đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực, lôi kéo những kẻ bất mãn, phản động trong và ngoài nước bình luận, chia sẻ. Âm mưu và thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi và nguy hiểm bởi sự lan tỏa nhanh chóng và tác động rộng khắp của nó đến nhận thức của một bộ phận Nhân dân tạo nên tâm lý lo lắng, hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian gần đây, đài Châu Á Tự do (RFA), RFI, VOA, BBC,... liên tục rêu rao, phê phán, xuyên tạc đường lối đối ngoại, ngoại giao theo trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam, xem đó là đường lối ngoại giao lạc hậu, thiếu sáng tạo, không có gì mới mẻ và đột phá trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bên cạnh đó, chúng còn cho rằng chính sách quốc phòng với “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là sai lầm, thiếu đúng đắn, tự trói buộc mình và không bảo vệ được độc lập, chủ quyền.
Nhân sự kiện ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều gửi thư chúc mừng, khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển vững chắc trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động lại cố tình suy diễn theo hướng khác. Chúng phán bừa rằng “Các ông Lâm, Cường, Chính bắt đầu run rồi. Lãnh đạo Việt Nam bây giờ phải ra sức nịnh nọt tổng thống Donald Trump để tránh bị trừng phạt nặng về thương mại”, “Việt Nam có vẻ lành ít, dữ nhiều dưới thời ông Trump”, “Tàu còn phải ngán Trump nữa là Việt Cộng”, “Việt Nam chắc sẽ phải giảm mức quan hệ với Trung Quốc nếu muốn tiếp tục quan hệ tốt với chính quyền của ông Trump”…
Một số người sử dụng mạng xã hội do không hiểu rõ tình hình Việt Nam hoặc bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin trái chiều cũng có những suy nghĩ, quan điểm lệch lạc về đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Họ cho rằng lập trường của Việt Nam không dứt khoát, không rõ ràng và không có lợi; rằng Việt Nam không thể cứ lựa chọn cách cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc để hưởng lợi như hiện nay, mà sớm muộn cũng phải chọn bên. Có người nhận xét rằng lãnh đạo Việt Nam thì chúc mừng ông Trump nhiệt liệt, nhưng lại ngầm chỉ đạo các “dư luận viên” ở dưới ra sức chửi Mỹ.
Rõ ràng, đó là những nhận định, quan điểm sai lệch về đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao của Việt Nam. Ai cũng biết rằng Mỹ là cường quốc trên thế giới và dưới mỗi đời tổng thống Mỹ có thể có những điều chỉnh quan trọng đối với chính sách đối ngoại, kinh tế, xã hội… và điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là một trong những nước có độ mở thương mại cao nhất trong khu vực và trên thế giới, kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu (Việt Nam đứng ở vị trí thứ 23 trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới), trong khi đó Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam sẽ quan tâm sát sao đến những động thái của ông Donald Trump để có đưa những điều chỉnh kịp thời nếu thấy cần thiết.
Cần khẳng định rằng, dù đó là ông Donald Trump hay một ai đó làm tổng thống Mỹ thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại hiện nay, đó là “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đặc biệt chú trọng xử lý hài hòa, hiệu quả quan hệ với các nước lớn, đồng thời bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia”. Đường lối đó được hình thành, đúc kết, phát triển trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế của thời đại. Các nước trên thế giới đều hiểu rõ vì sao Việt Nam lại lựa chọn và kiên trì đường lối đối ngoại này.
Cho dù các thế lực thù địch có ra sức đưa ra những luận chứng để vu cáo đường lối ngoại giao của dân tộc ta, thế hệ yêu nước ngày nay vẫn luôn cố gắng xây dựng và giữ gìn đường lối ngoại giao “cây tre” độc đáo của dân tộc. Việt Nam, một quốc gia dân tộc vẫn can trường, bất khuất, chiến đấu và chiến thắng, rồi lại hòa hiếu với thế giới để phát triển cùng nhân loại. Điều đó là bản sắc do chính dân tộc ta tạo ra, tuyệt đối không phải đi cắp nhặt ý tưởng từ bất cứ đâu. Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng được ca ngợi là có sách lược ngoại giao mềm mỏng, cũng được ví với cây tre - cây sậy, thế nhưng sách lược ấy lại không đủ linh hoạt, mềm mại, uyển chuyển, để rồi đánh mất độc lập, tự chủ, trở nên lệ thuộc vào một quốc gia khác. Nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nhất quyết kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tự hào nói trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” chính là một sự nghi nhận những phẩm chất tốt đẹp, những đóng góp vĩ đại của nền ngoại giao, ngành Ngoại giao và hoạt động ngoại giao đối với lịch sử, đối với cả quá trình cách mạng Việt Nam. Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, chính nhờ đường lối đối ngoại khôn khéo nói trên mà đất nước ta đã duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh; nâng cao vai trò, uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam như hiện nay.
Có thể nói, bảo vệ nền tảng tư tưởng về đường lối ngoại giao là hoạt động xuyên suốt, đi đôi, không thể tách rời với công tác ngoại giao của nước ta nhằm thúc đẩy xây dựng nền ngoại giao vững chắc, toàn diện và hiện đại trong tình hình mới hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, ổn định chính trị, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Vì vậy, bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về chính sách đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.