Đấu tranh phòng ngừa thanh, thiếu niên phạm tội đường phố

Hai năm gần đây, tội phạm đường phố trong độ tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn TP. Thái Nguyên ngày càng gia tăng về số vụ và mức độ phạm tội, gây mất an ninh trật tự địa bàn và bức xúc dư luận. Trước thực trạng đó, Công an TP. Thái Nguyên đã chủ động xây dựng, triển khai các chuyên đề nhằm phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này.

70% đối tượng là tội phạm đường phố trên địa bàn TP. Thái Nguyên thời gian qua ở độ tuổi vị thành niên.

70% đối tượng là tội phạm đường phố trên địa bàn TP. Thái Nguyên thời gian qua ở độ tuổi vị thành niên.

Thông tin từ Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Thái Nguyên: Liên quan đến tội phạm đường phố trong độ tuổi thanh, thiếu niên, 6 tháng đầu năm nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố 5 vụ, làm rõ hành vi phạm tội của 51 đối tượng. Qua đó khởi tố 29 bị can, đề nghị giáo dục tại xã, phường 5 đối tượng, xử phạt hành chính 8 đối tượng. Hành vi phạm tội của các đối tượng chủ yếu là: Cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Gần đây nhất, vào khoảng 0 giờ ngày 22/6/2024, đối tượng Hoàng Minh T., sinh năm 2007, ở xã Sơn Cẩm và nhóm bạn (11 người cả nam và nữ, sinh năm 2004 đến 2009) tập trung thành nhóm đi xe máy lạng lách, đánh võng trên các tuyến phố. Khi đến khu vực hầm chui Tân Lập, nhóm này đã chửi, rút dao tự chế mang theo dọa chém nhóm của anh L.T.A., sinh năm 1999, ở phường Hương Sơn đi cùng 3 người bạn trên 2 xe máy khiến L.T.A và bạn bị ngã, phải để lại xe và tài sản rồi bỏ chạy. Sau đó, nhóm của T. cướp số tài sản của anh L.T.A để chia nhau.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Hoàng Minh T. và 7 thanh, thiếu niên về tội “Cướp tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng”. Đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và “Không tố giác tội phạm” với nhóm của T.

Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí mang theo hung khí như dao, gậy, phóng lợn có hành vi khiêu khích, đuổi đánh nhau trên đường phố (còn gọi là “tội phạm đường phố”), gây tai nạn cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn TP. Thái Nguyên như trong vụ án nói trên không phải hiếm.

Do các em trong độ tuổi vị thành niên nên tâm lý phát triển chưa hoàn thiện, có những hành động bột phát để thể hiện bản thân và thiếu hiểu biết pháp luật, nghĩ hành vi của mình là không vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, do nhận thức lệch lạc nên các đối tượng đã sử dụng điện thoại quay video đăng lên mạng xã hội, coi như “thành tích” để khẳng định bản thân.

Phiên xét xử các bị cáo vị thành niên phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” do Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên tổ chức đầu tháng 6-2024 thu hút đông đảo người dân tham dự.

Phiên xét xử các bị cáo vị thành niên phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” do Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên tổ chức đầu tháng 6-2024 thu hút đông đảo người dân tham dự.

Trong vụ án do Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên xét xử 6 bị cáo đều dưới 18 tuổi phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” đầu tháng 6 vừa qua, cáo trạng nêu rõ: Do có mâu thuẫn với một nhóm nam thanh niên tại TP. Phổ Yên nên khoảng 1 giờ 30 phút ngày 29/11/2023, khi đang đi trên đường phố, Nguyễn Đức D. (sinh năm 2007, ở phường Túc Duyên) và nhóm bạn khoảng 15 người (độ tuổi từ 14 đến 17) thấy hai thanh niên đi đường đã hô hoán, rồi cùng nhau tăng ga đuổi theo. Nhóm của D. vô cớ dùng thắt lưng và chân tay đánh; dùng dao tự chế chém vào phần sau đuôi xe khiến một thanh niên bị thương và làm chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng.

Tại phiên tòa, D. và các bị cáo đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, khẳng định do tuổi trẻ bồng bột, thiếu hiểu biết pháp luật, nên nghĩ hành vi của mình không bị xử lý. Cho đến khi nghe bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đề xuất mức án, các bị cáo mới hối hận, xin được giảm nhẹ hình phạt để “sửa sai”.

Qua kết quả đấu tranh, xử lý các vụ án hình sự thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng nhận định, đa số tội phạm đường phố ở TP. Thái Nguyên ở độ tuổi vị thành niên (chiếm tỷ lệ 70% số đối tượng phạm tội). Các em đều bỏ học sớm, hoàn cảnh gia đình đặc biệt (bố mẹ ly hôn hoặc vướng vào vòng lao lý) nên thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của gia đình. Do không có công ăn việc làm ổn định, lại nghiện game, ham chơi, đua đòi, nên dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo tụ tập, thực hiện các hành vi cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Nói về giải pháp phòng ngừa ngăn chặn tình trạng tội phạm đường phố trong thời gian tới, Đại úy Đặng Văn Thọ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phối hợp rà soát, lập danh sách đối với những đối tượng có biểu hiện chơi bời, bỏ học, không có nghề nghiệp ổn định, thường xuyên tụ tập trên đường phố để tăng cường biện pháp quản lý giáo dục. Đồng thời tăng cường nắm tình hình, phát hiện xử lý nghiêm hành vi phạm tội của các nhóm đối tượng phạm tội đường phố để răn đe, phòng ngừa.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm đường phố nếu nếu không kịp thời được phát hiện, xử lý ngay từ khi mới manh nha, sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh thành những băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, gây ra những hệ lụy lớn, ảnh hưởng đến ANTT địa bàn, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các gia đình cần tăng cường giáo dục, quản lý chặt chẽ con em mình, nhất là các em độ tuổi vị thành niên. Cùng với đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, học sinh từ nhà trường cũng như các cấp ngành, đoàn thể, địa phương cũng sẽ là nhân tố tích cực để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, hạn chế việc các em phạm tội.

Minh Hiếu

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/202407/dau-tranh-phong-ngua-thanh-thieu-nien-pham-toi-duong-pho-ea8269a/