Đấu tranh với luận điệu xuyên tạc chính sách về đội ngũ trí thức
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chỉ rõ: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội… Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước…
Quán triệt Nghị quyết số 27, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá đất nước, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị liên tục tiến hành các hoạt động chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta về phát triển đội ngũ trí thức. Chúng rêu rao luận điệu cho rằng “chính quyền Việt Nam không thực tâm mong muốn đội ngũ trí thức phát triển”, “ở Việt Nam không có tự do, dân chủ nên đội ngũ trí thức không có cơ hội cống hiến”… Cùng với đó, các đối tượng xấu cũng tiến hành câu móc với một số trí thức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và kích động những kẻ này thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, một số trí thức sau khi “ăn hết lộc cộng sản” đã “trở cờ”, đổ đốn, quay lưng lại với chế độ, tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi “đa nguyên, đa đảng”. Ngoài ra, các đối tượng chống đối cũng ra sức mị hoặc, đánh lừa dư luận bằng cách đội lên đầu những “con rối dân chủ” chiếc mũ “trí thức”. Để rồi sau đó, khi những kẻ này bị đưa ra xử lý theo quy định pháp luật, các đối tượng bên ngoài lại lu loa vu khống chính quyền “đàn áp trí thức”?!
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc phát triển đội ngũ trí thức, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy năng lực, trí tuệ, làm giàu tri thức cho xã hội. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.
Thời gian qua, đội ngũ trí thức ở nước ta đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức đã tham gia tích cực vào việc nghiên cứu, cải tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất lao động của toàn xã hội. Trên lĩnh vực văn hóa, đội ngũ trí thức đã tập trung nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và góp phần định hướng hệ giá trị văn hóa dân tộc. Dù ở khía cạnh nào, lĩnh vực nào, đội ngũ trí thức Việt Nam cũng ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội. Nhiều trí thức Việt Nam đã vươn tầm quốc tế. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS Biology do nhóm Metrics của các Giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) tiến hành, có 37 nhà khoa học Việt Nam nằm trong nhóm 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022. Đây là minh chứng rõ ràng nhất phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu về chính sách phát triển trí thức của Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trí thức phải là những người vừa có tài vừa có đức. Thực tế, một số trường hợp có năng lực, trí tuệ nhưng lại ngông cuồng, hống hách, chạy theo hư vinh, lợi ích cá nhân mà đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Thậm chí một số người cậy mình có chút hiểu biết, có chút đóng góp cho xã hội rồi nảy sinh tư tưởng “công thần”, đưa ra những yêu sách phi lý và đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng, đến khi nhu cầu của bản thân không được thỏa mãn thì quay ra bất mãn với chế độ, tiến hành các hành vi chống đối chính quyền. Ngoài ra, cũng có một số kẻ lợi dụng danh nghĩa trí thức để che đậy bản chất phản động, chống đối, tiêu cực bên trong. Những người này chắc chắn không phải là trí thức mà chúng ta đang cần. Bởi vậy, chúng ta không bao giờ được mơ hồ, chỉ nhìn vào học hàm, học vị của một số người để coi họ là trí thức, tin tưởng vào những gì họ nói, họ làm một cách vô điều kiện.
Chúng ta không phủ nhận đội ngũ trí thức ở nước ta có những mặt, lĩnh vực còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ ra các tồn tại: “thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”, “nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường”, “trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”… Cùng với đó, thời gian gần đây, chúng ta cũng chứng kiến tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư, từ trong nước ra nước ngoài. Những vấn đề này đã được Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận và đề ra nhiều giải pháp khắc phục.
Việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức ngang tầm nhiệm vụ là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, với việc nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của đất nước và nhìn thẳng vào những mặt tích cực cũng như tồn tại, hạn chế trong việc phát triển đội ngũ trí thức, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ có tâm, có tầm, có năng lực, có đạo đức và có lòng yêu nước sâu sắc.