Đấu tranh với thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức 'xin việc'

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng đưa ra các thông tin có nhiều mối quan hệ, có thể 'xin việc', sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra tại nhiều địa phương. Không ít người với mong muốn có được việc làm ổn định trong cơ quan, đơn vị do Nhà nước quản lý, cộng với sự nhẹ dạ, cả tin đã 'sập bẫy' các đối tượng lừa đảo.

Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Bích Ngọc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc. Ảnh: QUÝ NGÀ

Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Bích Ngọc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc. Ảnh: QUÝ NGÀ

Tháng 10/2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trịnh Thị Thanh Hảo (sinh năm 1958, trú tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Hảo có hành vi lừa đảo thông qua việc nhận tiền để xin cho các cá nhân đi làm tại các bệnh viện, đi học tại các trường công an nhân dân. Sau khi nhận tiền, bà Hảo không thực hiện như cam kết và chiếm đoạt tiền của nhiều người. Trong số các nạn nhân, có hai người bị lừa với số tiền lớn, lần lượt là 770 triệu đồng và 620 triệu đồng. Ngày 14/10, Công an TP Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối tượng Văn Hữu Tưởng (sinh năm 1987, trú quận Hải Châu) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để lừa đảo, Tưởng tự xưng là người nhà của một nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng rồi đưa thông tin là có thể xin việc làm nhân viên an ninh, thợ điện,... tại sân bay Đà Nẵng cho ai có nhu cầu với “giá” 20.000 USD/suất. Bằng thủ đoạn nêu trên, Tưởng lừa đảo được 60.000 USD và 400 triệu đồng rồi cắt đứt liên lạc với các nạn nhân và bỏ trốn.

Trên đây là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo thông qua hình thức xin việc xảy ra trong thời gian qua. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 25/5/2020 đến ngày 24/5/2021, cả nước phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Với các vụ lừa đảo “chạy việc”, có thể thấy, để thực hiện hành vi, các đối tượng đã đưa ra các thông tin là có nhiều mối quan hệ, quen biết với các lãnh đạo, người nhà lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước... để khuếch trương thanh thế, tạo sự tin tưởng. Khi người dân không tìm hiểu kỹ sẽ trở thành “con mồi” của các đối tượng nêu trên. Phần lớn các vụ lừa đảo sau khi nhận tiền của nạn nhân, đối tượng sẽ kiếm các lý do để thoái thác trách nhiệm. Nhiều đối tượng sau khi nhận tiền đã thay đổi nơi cư trú, đổi số điện thoại... Theo một số cán bộ công an, với các hành vi lừa đảo xin việc, công tác điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn vì đối tượng lừa đảo và nạn nhân thường chỉ viết giấy dưới hình thức vay nợ, trên đó không đề cập đến nội dung xin việc. Xét về góc độ pháp lý, việc giao tiền - nhận tiền để xin việc là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cho nên giao dịch này là vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Như vậy, các bên sẽ phải khôi phục lại tình trạng trước khi giao dịch, tức là người nhận tiền sẽ phải trả lại khoản tiền đã nhận. Trong trường hợp không được trả lại tiền, người dân có thể khởi kiện, yêu cầu TAND cấp có thẩm quyền giải quyết. Nếu người nhận hồ sơ giúp xin việc là người có chức vụ thì người đưa tiền để xin việc còn có khả năng bị truy tố hình sự về tội đưa hối lộ, người trung gian hứa xin việc sẽ bị truy cứu về tội môi giới hối lộ và người nhận tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự.

Ngoài ra, trong trường hợp người bị lừa phát hiện đối tượng nhận “chạy việc” có dấu hiệu lừa đảo, đưa ra các thông tin gian dối chứ thực chất không có khả năng xin việc có thể tố cáo các cơ quan chức năng. Khi đó, đối tượng lừa đảo có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Có thể thấy, hành vi chi tiền để xin việc không chỉ có nguy cơ làm mất đi cơ hội của những người đủ điều kiện tuyển dụng, mà còn là vi phạm pháp luật. Vì vậy, khi bị mất tiền thông qua các đối tượng nhận “chạy việc” thì người bị lừa sẽ phải chịu rủi ro về pháp lý và khó đòi lại được tiền. Để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức “chạy việc”, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm để cảnh báo đến người dân; truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các đối tượng, không để bỏ lọt tội phạm... Đối với người dân, khi có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị. Theo quy định, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan, ban, ngành phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân cũng có thể đến tận nơi có nhu cầu tuyển dụng để tìm hiểu, không nên đặt niềm tin, giao tài sản cho các đối tượng để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo. Khi nhận thấy có dấu hiệu của sự lừa đảo, cần sớm trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ■

“Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa “xin việc” rồi chiếm đoạt tiền là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, với số tiền chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Với số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 đến 15 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Luật sư NGUYỄN NGỌC HOÀNG
(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

HOÀNG PHAN và NGỌC HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ban-doc-viet/dau-tranh-voi-thu-doan-lua-dao-thong-qua-hinh-thuc-xin-viec-672963/