Đấu tranh với 'tín dụng đen'
ĐBP - Lợi dụng sự khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân có nhu cầu tài chính để chi tiêu, thanh toán nợ nần nhưng không đủ điều kiện vay tiền ngân hàng, nhiều hình thức hoạt động 'tín dụng đen' đã tiếp cận, cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, giải ngân trong ngày, thậm chí không cần tài sản thế chấp. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần một cú kích chuột, nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay tiền với điều kiện đơn giản. Nhưng với những hình thức cho vay này, người vay phải trả lãi suất hoặc chi phí rất cao; phải viết giấy mượn tiền, giấy bán tài sản rồi thuê lại tài sản của chính mình… Lo ngại hơn, khi người vay không trả đúng hạn, các đối tượng gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản… khiến người vay luôn bất an, hoảng loạn.
“Tín dụng đen” là loại hình tín dụng phi chính thức, không thông qua hệ thống ngân hàng hay các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép, chủ yếu là hoạt động cho vay nặng lãi. Thực tế hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng trong khi tín dụng chính thức lại chưa thể đáp ứng. Bởi vay tiền từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống, người vay phải có phương án vay vốn, chứng minh điều kiện đảm bảo trả được khoản vay cùng một số thủ tục khác. Trong khi đó, vay tiền từ các tổ chức “tín dụng đen” không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích sử dụng vốn vay, chỉ cần giấy vay mượn sơ sài đã có thể vay được khoản tiền lớn ngay trong ngày. Thậm chí, với một số ứng dụng vay tiền trực tuyến, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, thông tin một số giấy tờ như hộ khẩu, bằng lái xe hay chứng minh nhân dân là có thể vay được tiền; thời gian giải ngân nhanh… Chính điều này đã tạo nên “mảnh đất màu mỡ” cho “tín dụng đen” len lỏi hoạt động và không ít người bị “sập bẫy”.
Lãi suất “tín dụng đen” thường rất cao, chỉ cần trả không đúng hạn lập tức lãi mẹ đẻ lãi con, khoản vay cộng thêm tiền lãi theo cấp số nhân, người vay phải còng lưng trả lãi. “Tín dụng đen” tiềm ẩn rủi ro cao đặc biệt là không có tài sản thế chấp nên khi người vay không có khả năng chi trả sẽ bị đòi nợ bằng các hình thức chiếm đoạt tài sản; đe dọa khủng bố tinh thần, thậm chí là tính mạng… Do không chịu sự quản lý và kiểm soát của cơ quan nhà nước nên các chủ thể “tín dụng đen” thường xử lý tùy tiện, trái pháp luật khi xảy ra rủi ro mất khả năng chi trả. Xét ở khía cạnh tích cực, “tín dụng đen” có thể coi như một “liều thuốc cấp cứu” giúp người vay vượt qua cơn nguy kịch khi không thể vay tiền từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng chính thức. Tuy nhiên, “tín dụng đen” đang ngày càng nở rộ với nhiều hình thức biến tướng tinh vi gây bất ổn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Để tránh sập bẫy “tín dụng đen”, trở thành nạn nhân của cho vay nặng lãi, người dân cần thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen”; báo công an khi phát hiện các hoạt động vay mượn hoặc đe dọa đòi nợ của “tín dụng đen”. Chính quyền và các hội, đoàn thể, lực lượng công an phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ bản chất, hình thức và những hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời, cơ quan chuyên môn tiếp tục siết chặt công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; giám sát các tổ chức tài chính phi chính thức, hoạt động của các cơ sở cầm đồ, các nhóm hụi, họ… có biểu hiện cho vay “tín dụng đen”.
Đấu tranh với “tín dụng đen” không đơn thuần là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân mà cần thêm những giải pháp từ cơ quan quản lý. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng điều kiện, thủ tục cho vay. Các tổ chức đoàn thể tăng cường khảo sát nhu cầu vay vốn trong nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để bảo lãnh, tín chấp hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận các chương trình, dự án vay vốn phát triển sản xuất, các nguồn tín dụng chính thống. Các ngân hàng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, gói cho vay phù hợp với hộ nghèo, gia đình chính sách; rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay, thanh toán để người dân tiếp cận dễ hơn với nguồn vốn chính thống.