Đấu tranh với vi phạm trên môi trường thương mại điện tử

Đẩy mạnh đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để đấu tranh với vi phạm trên môi trường thương mại điện tử là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đối với công tác quản lý thị trường trong thời gian tới.

Lực lượng quản lý thị trường Phú Yên làm việc với đại diện cơ sở có liên quan đến vi phạm về thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Lực lượng quản lý thị trường Phú Yên làm việc với đại diện cơ sở có liên quan đến vi phạm về thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Vi phm v thương mi đin t gia tăng

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả công tác quản lý thị trường 8 tháng của năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết: Tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn diễn biến phức tạp.

Các vi phạm xảy ra chủ yếu đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), đa số thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream bán hàng ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hóa và sử dụng những người nổi tiếng, có nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng...

Số liệu thống kê cho thấy vi phạm trên môi trường TMĐT gia tăng. Cụ thể, trong đợt kiểm tra chuyên đề về TMĐT nửa đầu tháng 6/2024, trong tổng số 455 website có dấu hiệu vi phạm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 161 website với số tiền 3,6 tỉ đồng.

Tại Phú Yên, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất, bắt quả tang nhiều cơ sở, cá nhân vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên môi trường TMĐT với số lượng hàng hóa lớn. Đơn cử như vụ Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Phú Yên) phát hiện cơ sở kinh doanh quần áo P.T.T (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) bán quần áo qua hình thức livestream trên Facebook nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội đã phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này 11,5 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 8,7 triệu đồng.

Hay như vụ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra đột xuất hai doanh nghiệp kinh doanh có sử dụng website TMĐT (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Thu và Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ máy tính Duy Linh) nhưng không thông báo, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng; có cơ sở sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Số tiền phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở lên đến 75 triệu đồng…

X lý vi phm đúng quy đnh

Theo ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, việc đấu tranh, xử phạt các đối tượng… gặp rất nhiều khó khăn; trong đó phải kể đến công tác xác minh, truy xuất thông tin chủ sở hữu và thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, đặc biệt là việc khó tiếp cận, truy xuất, thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm của các đối tượng trên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT có pháp nhân và máy chủ đặt tại nước ngoài.

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 389 tỉnh (BCĐ 389) cho biết: BCĐ 389 tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản, quy định phù hợp, hỗ trợ công tác điều tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng tại địa phương.

BCĐ 389 tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, văn bản chỉ đạo BCĐ 389 quốc gia, các bộ, ngành, UBND tỉnh; tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác quản lý, nắm bắt tình hình của từng đơn vị, địa bàn, tuyến giao thông, lĩnh vực trọng điểm và triển khai phương án đấu tranh, triệt phá có hiệu quả các đường dây, đối tượng buôn lậu có quy mô lớn; xử lý các vấn đề liên quan đến TMĐT... theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tình hình kinh doanh hàng lậu, giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng còn phổ biến, nhưng số vụ xử lý chưa tương xứng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, bối cảnh nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng của TMĐT (nhất là TMĐT xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra cho công tác quản lý thị trường nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn.

Bộ trưởng đề nghị lực lượng quản lý thị trường cả nước tập trung đấu tranh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác; tập trung đào tạo, đào tạo lại cán bộ về mặt nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ sử dụng CNTT và khả năng đấu tranh với vi phạm trên môi trường TMĐT.

Trong 8 tháng của năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 1.786 vụ; phát hiện, xử lý 1.683 vụ vi phạm, tăng 1.186 vụ (tăng 238% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; số tiền phạt lên đến 31 tỉ đồng (tăng 23 tỉ đồng, tăng 288% so với cùng kỳ); trị giá hàng hóa vi phạm trên 28 tỉ đồng (tăng 24,5 tỉ đồng, tăng 700% so với cùng kỳ).

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320299/dau-tranh-voi-vi-pham-tren-moi-truong-thuong-mai-dien-tu.html