'Đấu trí' với phụ huynh để con thi trường vừa sức
Giáo viên đôi khi phải 'đấu trí' với phụ huynh để con được thi vào ngôi trường phù hợp sở thích, năng lực.
Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, thực tế học sinh cuối cấp chịu áp lực từ nhiều phía như: sự kỳ vọng của cha mẹ, tự so sánh với bạn và gồng lên… Trong thời gian học trực tuyến, giáo viên rất lo lắng vì không trực tiếp quan sát được biểu hiện từng học sinh để biết em nào đang buồn, lo lắng, bất an. Cô định kỳ khuyến khích các em nói ra điều lâu nay giữ kín.
Kết quả, nhiều em mở lòng nói lên những lo lắng, hoang mang, áp lực đang gặp phải. Nhiều phụ huynh bất ngờ khi được giáo viên trao đổi lại vì ở nhà con vẫn bình thường hoặc thu mình không tâm sự. Thậm chí, có bạn sau đó, gia đình phải nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
“Hiện nay, nhiều phụ huynh đồng hành, chia sẻ, hiểu và không tạo áp lực cho con nhưng cũng có người đặt kỳ vọng, tạo áp lực lớn. Trong quãng đời đi dạy của mình, có lúc tôi gần như “đấu tranh” với phụ huynh để học sinh được thi vào ngôi trường vừa sức với con, không phải ngôi trường bố mẹ muốn”, cô Thanh nói.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, nói rằng, để thi vào lớp 10, đầu tiên, nhà trường có kế hoạch củng cố kiến thức vốn đã bị ảnh hưởng do dạy và học trực tuyến, xác định đâu là vùng kiến thức trọng tâm, đâu là kiến thức bổ trợ học sinh. Tiếp đó, ôn tập cho học sinh theo đối tượng, với học sinh giỏi, tăng cường bài tập khó để lấy điểm tuyệt đối, học sinh đại trà, yếu kém, tập trung kiến thức cơ bản để nâng từng điểm.
“Sức nóng của kỳ thi phần lớn là do phụ huynh, học sinh đặt ra, không do bản chất của kỳ thi vì hơn 60% học sinh được tuyển vào trường công, còn lại hệ thống giáo dục có nhiều loại hình trường khác chất lượng ngày càng cải thiện. Vấn đề nằm ở chỗ, sức con chỉ có 7, phụ huynh hoặc con muốn gánh lên 9 sẽ tạo nên sức ép lên vai con”.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ
Bà Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), nói rằng, khi tư vấn học sinh chọn nguyện vọng, nhà trường yêu cầu giáo viên tư vấn học sinh sát năng lực, không một ai gây sức ép cho các em.
Tuy nhiên, trên thực tế, có học sinh nhận kết quả kiểm tra điểm thấp, các em sẽ buồn, tự gây áp lực hoặc chính cha mẹ các em đặt kỳ vọng vào con, muốn con thi đỗ ngôi trường mình mong muốn.
“Học sinh ở độ tuổi này nhạy cảm, hay có những suy nghĩ riêng. Do đó, cha mẹ, thầy cô cần dành thời gian quan tâm, tìm hiểu, trò chuyện với các con để xem con gặp vấn đề gì không. Ở trường, phòng tư vấn tâm lý học đường cũng mở và thực tế khi dạy học trực tiếp nhiều em đã đến nhờ chuyên gia hỗ trợ. Điều quan trọng là cha mẹ, thầy cô làm thế nào để các con tin tưởng, chia sẻ thay vì giữ kín những câu chuyện, nỗi niềm trong lòng”, bà Hồng nói.