Đầu tư các dự án giao thông để tạo đột phá
Năm 2024, Chính phủ tiếp tục xác định, ưu tiên đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng của quốc gia, vùng sẽ được tập trung hoàn thành hồ sơ, bố trí vốn, nhân lực để khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể trong năm nay, cả nước sẽ dành khoảng 657 ngàn tỷ đồng cho đầu tư công và phấn đấu giải ngân ít nhất là 95%; trong đó có 422 ngàn tỷ đồng là vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Đồng Nai là nơi có nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương. Theo Bộ GT-VT, trong năm 2024, sẽ tiến hành khởi công 3 dự án đường cao tốc gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc là 2 trong 3 dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Đồng Nai cũng sẽ khởi công 3 dự án quan trọng là nâng cấp, mở rộng đường 25B (đoạn từ trung tâm H.Nhơn Trạch ra quốc lộ 51); xây dựng đường 25C (đoạn từ quốc lộ 51 đến hương lộ 19) và dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 774B. Đồng thời, 3 dự án quan trọng kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 773, 769 và xây dựng mới tuyến đường tỉnh 770B sẽ được bố trí nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Năm 2021-2022, được xem là giai đoạn khởi động, chuẩn bị, phê duyệt dự án; năm 2023 là triển khai đồng loạt và năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Vì thế, trong những ngày đầu năm mới (mùng 3, 4 Tết Nguyên đán), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành đã đến chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc và động viên các cán bộ, nhân viên làm việc xuyên Tết tại các dự án trọng điểm quốc gia ở Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư sẽ phối hợp kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, cung ứng nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông.
Các dự án hạ tầng giao thông được khởi công và sớm hoàn thành, kết nối các vùng sẽ tạo ra không gian phát triển mới. Bởi các tuyến đường được đầu tư mới sẽ tăng thêm lợi thế trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, logistics…, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của các địa phương.