Đầu tư cần cách tiếp cận mới
Bối cảnh kinh tế mới dần thành hình, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tâm thế chấp nhận những thay đổi, sẵn sàng hành động và cách tiếp cận mới trong việc xây dựng danh mục đầu tư.
Dự báo 4 chủ đề chính
Báo cáo triển vọng thị trường toàn cầu 2024 của Goldman Sachs cho rằng, phần khó khăn nhất đã qua và thị trường toàn cầu đang hướng tới trạng thái cân bằng hơn. Tuy nhiên, hành trình hướng tới trạng thái cân bằng hơn không hề dễ dàng, dự kiến sẽ có không ít thử thách trong năm 2024. Theo đó, có 4 chủ đề chính trong năm mới mà giới đầu tư cần theo dõi sát sao và tìm cách thích ứng.
Thứ nhất, sau chu kỳ tăng lãi suất nhanh và mạnh, năm 2024, lãi suất tại các nền kinh tế phát triển nhiều khả năng sẽ giữ ở mức hiện tại cho tới gần hết năm. Trong đó, Mỹ có thể chưa sớm hạ lãi suất, trừ khi nền kinh tế gặp vấn đề lớn về tăng trưởng; châu Âu có động lực tăng trưởng yếu và thiếu dư địa cho chính sách tiền tệ, nên Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ “án binh bất động” ít nhất trong nửa đầu năm.
Tại các thị trường đang phát triển, triển vọng kinh tế và yếu tố lạm phát có nhiều khác biệt và phân hóa rõ nét. Chẳng hạn, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng đáng ngạc nhiên nhờ nhu cầu nội địa hồi phục, trong khi Trung Quốc đối diện rủi ro giảm tốc trong ngắn hạn bởi những khó khăn của thị trường bất động sản và “cơn gió ngược” từ thị trường toàn cầu.
Thứ hai, các biến động địa chính trị đang có tác động lớn và khó đoán định, giới đầu tư, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế cho hàng loạt kịch bản trong năm 2024 trước các cuộc bầu cử trên toàn cầu, từ Mỹ, Anh cho tới Ấn Độ, Nga. Trong khi đó, các xung đột địa chính trị thời gian qua chưa được giải quyết, bao gồm mối quan hệ phức tạp Trung Quốc - Mỹ, chiến tranh tại Trung Đông, cuộc chiến Nga - Ukraine. Xung đột địa chính trị gia tăng có thể dẫn tới nhiều hơn nữa các rào cản thương mại trên toàn cầu, tạo thêm áp lực với mỗi nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng trung ương lớn đã đạt “đỉnh” của quá trình nâng lãi suất, nhưng ít có khả năng sẽ giảm ngay.
Thứ ba, thế giới có thể chuyển từ thời kỳ hưng phấn trước sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) sang thời kỳ phát triển để tiếp tục đào sâu nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, từ đó gia tăng năng suất lao động trên toàn cầu, cũng như khai thác tiềm năng rộng lớn tại nhiều lĩnh vực.
Thứ tư, đầu tư bền vững đã trở thành dòng chảy lớn. Trong năm 2024, dòng tiền đầu tư dự kiến sẽ chảy mạnh hơn vào các giải pháp bền vững, nhất là khi các quy định mới được ban hành.
Chẳng hạn, theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ liên quan tới khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe, 369 tỷ USD sẽ được sử dụng cho các chương trình an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Đạo luật mới cũng khuyến khích doanh nghiệp công bố các khoản đầu tư bền vững, đồng thời tiến tới áp dụng yêu cầu với các đối tác toàn cầu trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải…
Tương tự, EU, Trung Quốc, Ấn Độ… đều đã tham gia Sáng kiến khí hậu với nhiều quy định và các chương trình hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững.
Tập trung tìm cơ hội
Theo Goldman Sachs, trong năm 2024, các cuộc tranh luận vĩ mô có thể sẽ chuyển hướng sang yếu tố vi mô, ví dụ việc tìm kiếm doanh nghiệp có thể “trung hòa” các yếu tố tiêu cực từ lạm phát và lãi suất cao, trong bối cảnh kinh tế chung tăng trưởng chậm.
Những biến động địa chính trị luôn tạo ra bất ổn và thử thách. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành công là những công ty có mối liên kết hài hòa giữa quản trị hoạt động và kết nối với nhà quản lý, từ đó đảm bảo được chuỗi cung ứng, nguồn lực. Goldman Sachs “ưa chuộng” những công ty có mô hình kinh doanh bền vững, bảng cân đối tài chính lành mạnh và có khả năng định giá sản phẩm.
Các nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận ở mức hợp lý. Mỗi loại tài sản mang lại những cơ hội khác biệt và khả năng bảo vệ trước rủi ro nhất định: trái phiếu sẽ là khoản đầu tư tốt nếu rủi ro suy thoái gia tăng; kinh tế tăng trưởng mạnh hơn đồng nghĩa với giá dầu sẽ tăng; chứng khoán và các tài sản tại thị trường đang phát triển có thể tăng giá vượt trội nếu lạm phát tiếp tục đi xuống và các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo.
Mặt khác, với xu hướng đầu tư bền vững, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội tại cả thị trường chứng khoán, trái phiếu, chứng chỉ bền vững…
Cùng chung quan điểm, Báo cáo triển vọng 2024 - Đi tìm tăng trưởng của Deustche Bank cho rằng, những sự kiện chính trị lớn và rủi ro kinh tế có thể khiến nhà đầu tư thận trọng, nhưng nhà đầu tư nên có chiến lược đầu tư năng động, chủ động quản lý rủi ro, thay vì trì hoãn, từ chối tham gia thị trường.
“Nhà đầu tư nên thử nhiều hơn nữa các ngóc ngách của thị trường để tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn mức trung bình, ngay cả khi điều này đòi hỏi việc theo dõi sát sao và ứng phó với rủi ro”, Deustche Bank khuyến nghị.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-can-cach-tiep-can-moi-post336921.html