Đầu tư cho cảng biển
Theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được Bộ GTVT lấy ý kiến), cả nước hiện có 588 cầu cảng (gấp 4 lần năm 2000), tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 664 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000).
Ước tính, vào năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển từ hơn 1.140 - 1.422 triệu tấn/năm, trong đó hàng container từ gần 38 - 50 triệu Teu/năm. Do đó, việc lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là rất cần thiết. Cũng theo Đề án, tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính từ 150-200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng).
Là quốc gia có vùng biển rộng lớn với diện tích trên 1 triệu km2, đường bờ biển dài trên 3.200 km. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…Để phát triển kinh tế biển và tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế này. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên,nhiều cảng biển để làm gì mới là câu hỏi cần trả lời.
Theo ông Thiên, có những cảng biển theo nghĩa tự nhiên mặc dù là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đã có những yếu tố vô cùng quan trọng này thì Việt Nam phải làm gì để khai thác, tận dụng những lợi thế đó. Rõ ràng, nếu không có các yếu tố khác đi kèm để khai thác các tiềm năng tự nhiên sẵn có, thì chắc chắn chúng ta vẫn sẽ nghèo về kinh tế biển.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, tiềm năng tự nhiên sẵn có là rất lớn nhưng việc chuyển lợi thế đó chuyển thành tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tối đa các cảng biển để phát triển kinh tế vẫn còn hạn chế. Cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng, vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, do vậy lợi ích kinh tế vẫn thấp. “Ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hóa, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ”- ông Thiên lưu ý.
Thực tế cũng cho thấy, các cảng du lịch của Việt Nam còn bị lu mờ. Do đó, trong tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia cần đề cao việc phát triển các cảng biển du lịch nhằm phát huy hết công năng của các cảng này. Ngoài ra, đối với các vùng kinh tế trọng điểm thì mỗi nơi có một đặc điểm riêng. Bởi vậy, cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dau-tu-cho-cang-bien-551260.html