Đầu tư cho cây trồng chủ lực

(Báo Quảng Ngãi)- Dù mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng việc phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do sản xuất còn manh mún, sản phẩm chỉ chế biến thô nên sức cạnh tranh thấp.

Giá trị của cây chủ lực

Những ngày này, nhiều chủ vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Nghĩa Hành bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Anh Nguyễn Tấn Hạnh, ở thôn Phú Lâm Tây (Hành Thiện) cho biết, năm nay điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên việc chăm sóc sầu riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên 40 gốc sầu riêng giống Mang Thong của anh cho nhiều quả, đảm bảo chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Với sản lượng gần 1,5 tấn, giá bán tại vườn 70 nghìn đồng/kg, giúp gia đình anh có thu nhập khá.

Năm nay, người trồng tiêu cũng phấn khởi vì giá tiêu liên tục tăng cao, từ 110 - 130 nghìn đồng/kg, có thời điểm 150 -160 nghìn đồng/kg. Anh Huỳnh Tấn Vương, ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) cho biết, năm nay tiêu được mùa, gần 1ha cho năng suất trên 1,5 tấn tiêu khô. Giá bán tiêu liên tục tăng, hiện gần 160 nghìn đồng/kg, người trồng tiêu rất phấn khởi.

Người trồng sầu riêng phấn khởi vì sầu riêng được mùa được giá.

Người trồng sầu riêng phấn khởi vì sầu riêng được mùa được giá.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 2.850 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như sầu riêng, bưởi, xoài, chuối... Trong đó, có gần 2.340ha đã cho thu hoạch. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 14,2 nghìn tấn. Có 82,5ha cây ăn quả đạt chứng nhận VietGAP, với sản lượng trên 2.200 tấn/năm. Đối với cây công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.780ha, chủ yếu là các loại cây tiêu, chè, cao su. Trong đó, có hơn 2.440ha đã cho thu hoạch. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7.200 tấn.

Cần giải pháp bền vững

Được xếp vào nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực, nhưng một số loại cây có chiều hướng giảm. Như cây cao su, với diện tích hơn 1.000ha (khoảng 660ha cây khai thác), hầu hết do Công ty Cao su Quảng Ngãi quản lý và khai thác, từng mang lại niềm vui cho người dân các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Tuy nhiên, sau những cơn bão xảy ra lần lượt vào các năm 2009 và 2020 làm nhiều diện tích cây cao su bị gãy, đổ khiến người trồng cao su bị thiệt hại nặng, lao động thất nghiệp. Diện tích cao su khai thác giảm từ 660ha xuống còn 140ha, năng suất nhựa mủ giảm từ 1 - 1,5 tấn/ha còn 0,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, trên 365ha cao su bị ngã đổ, bật gốc do thiên tai, hơn 40ha tại xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) bỏ hoang trong thời gian dài và gần 229ha bị người dân lấn chiếm.

Theo đánh giá của các địa phương, cây sầu riêng và tiêu đang trở thành sức ép đối với nhiều loại cây trồng khác cùng ngành hàng. Cây sầu riêng, tiêu cho lợi nhuận cao hàng chục lần so với chôm chôm, bưởi da xanh hay cao su, chè xanh, nên dễ dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt mở rộng diện tích, hoặc phá các loại cây trồng khác đề đầu tư trồng sầu riêng, tiêu.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân cho biết, trồng sầu riêng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn đến năm thứ 5 cây mới bắt đầu cho quả. Yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc nghiêm ngặt. Dù giá trị kinh tế cao nhưng đầu ra của sầu riêng vẫn bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi các chủ vườn chưa đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu hướng đến xuất khẩu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, sở đang rà soát, tham mưu tỉnh xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người dân trồng cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực. Phối hợp với các địa phương xác định cụ thể đối tượng, diện tích phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gắn chế biến với sản xuất, để các cây trồng chủ lực phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202408/dau-tu-cho-cay-trong-chu-luc-104369a/