Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển
Xây dựng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng; đồng thời, chính sách phải vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể. Đây vừa là định hướng, vừa là mục tiêu trong quá trình thực hiện các chính sách xã hội hiện nay.
Giải ngân vốn chính sách tại điểm giao dịch xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa). Ảnh: Khánh Phương
Nhiều kết quả tích cực
Xác định phát triển kinh tế là trung tâm, song việc quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự cân bằng và bền vững “cán cân” kinh tế - văn hóa, xã hội. Đặc biệt, đây còn là lĩnh vực liên quan trực tiếp và chặt chẽ đến quyền lợi, đời sống người dân. Do đó, việc xây dựng và thực thi các chính sách xã hội đòi hỏi sự nhận thức và trách nhiệm rất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân.
Với ý nghĩa nêu trên, việc xây dựng và thực thi các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã và đang được chú trọng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng. Trong đó, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện tốt. Chính sách giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực. Việc làm và sinh kế cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống cơ sở y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng...
Điển hình là chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực và luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Tính riêng giai đoạn 2021-2023, học sinh trong tỉnh đoạt 3 huy chương các loại tại các kỳ thi Olympic quốc tế và 175 giải các loại tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT. Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 ước đạt 73%; trong đó có văn bằng, chứng chỉ ước đạt 27,9%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, phân bố rộng khắp, tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh được quan tâm, với 1.157 kỹ thuật đã được phê duyệt và đưa vào khám, chữa bệnh tại các tuyến. Ước năm 2023 số giường bệnh/vạn dân đạt 37,5 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 12 bác sĩ; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 97,7%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 92,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi giảm còn 13,2%...
Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động được chú trọng. Nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong 3 năm 2021-2023 toàn tỉnh ước tạo việc làm mới cho 185.000 lao động; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 55.000 lao động.
An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân được nâng lên. Trong đó, đã triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, tín dụng... đối với người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của tỉnh ước còn 3,79%. Đã thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho gần 67.000 người có công và thân nhân người có công, với kinh phí 126 tỷ đồng; chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng đối với gần 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Duy trì thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội thông qua tổng đài 18001744 và trực tiếp tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh...
Tầm nhìn mới
Trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế ngày càng phát triển, cũng đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội để theo kịp yêu cầu phát triển. Trên tinh thần đó, ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định quan điểm nhất quán: Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW trong tình hình và điều kiện thực tế, Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 8/3/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 10/1/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã xác định rõ: triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách xã hội của Trung ương; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội của tỉnh theo hướng tiến bộ, công bằng, đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII).
Để từng bước đạt được các mục tiêu trên, cùng với việc tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; trong đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội.
Cùng với đó, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chú trọng phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội. Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội. Phát huy vai trò của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội.
Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Do đó, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 42-NQ/TW bằng các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, vừa góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi các chính sách xã hội, vừa góp phần khẳng định vai trò quan trọng của chính sách an sinh xã hội đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.