Đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

Ngày Dân số thế giới (11/7) hàng năm với nhiều hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về các vấn đề dân số. Ngày Dân số thế giới năm 2024, nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển sẽ có nhiều hoạt động chào mừng với chủ đề 'Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững'.

Người dân ở vùng có mức sinh cao tại huyện Như Thanh được truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Người dân ở vùng có mức sinh cao tại huyện Như Thanh được truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong 30 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Tuổi thọ trung bình người Việt tăng nhanh, tầm vóc, thể lực con người có bước cải thiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Góp phần vào thành tích chung của cả nước, trong những năm qua công DS-KHHGĐ tại Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện chính sách dân số, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân số thống nhất trên địa bàn tỉnh theo định hướng chung của cả nước, trong đó tác động đến tất cả các lĩnh vực về quy mô dân số, chất lượng dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số và quản lý dân số. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, đã hạn chế được sự tăng nhanh dân số, tỷ suất sinh giảm dần qua các năm.

6 tháng đầu năm 2024, Chi cục DS-KHHGĐ đã giao chỉ tiêu kế hoạch và hướng dẫn thực hiện công tác DS-KHHGĐ đến 27 trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó chú trọng đến công tác truyền thông giáo dục; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cấp huyện và đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, xóm, bản, làng và khu phố. Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như: Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Tính đến hết tháng 6/2024, dân số toàn tỉnh đạt 3.871.625 người; tỷ số giới tính khi sinh 113,6 bé trai/100 bé gái; số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh 3.202 cháu; 20.314 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; khám sức khỏe định kỳ cho 287.094 người cao tuổi; tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai 48.321 người...

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bùi Hồng Thủy cho biết, trong thời gian tới ngành y tế tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông, giáo dục phù hợp với các nhóm đối tượng. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp của ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện chính sách dân số.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dau-tu-cho-dan-so-la-dau-tu-cho-phat-trien-ben-vung-31830.htm