Đầu tư cho giáo dục sau phổ thông - 'Chìa khóa' để tăng trưởng kinh tế bền vững
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết.
Trong Báo cáo tháng 8/2022, chuyên đề "Giáo dục để tăng trưởng", Ngân hàng Thế giới (WB) kết luận, Hệ thống giáo dục sau phổ thông phát triển hơn sẽ là "chìa khóa" để thúc đẩy tăng năng suất của Việt Nam và do đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Việt Nam hiện là một trong số ít nền kinh tế được dự báo vẫn tăng trưởng nhanh và kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2022 đầy biến động. Trong một báo cáo mới đây, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng lên 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023; lạm phát sẽ duy trì ở mức khoảng 4% trong năm 2022 và năm 2023.
Sự phục hồi trong nhiều ngành nghề được dự báo diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Đây là lý do để một số tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lạc quan hơn như Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ khi người tiêu dùng tăng chi tiêu để thỏa mãn nhu cầu bị dồn nén và lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh vào mùa du lịch Thu 2022/Đông 2023.
Tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững, tuy có thể giảm tốc phần nào do các nền kinh tế hàng đầu và thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc... đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn như hiện nay, nhiều nền kinh tế lớn đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại, lạm phát đạt các mức kỷ lục; nhiều khu vực, nhiều nền kinh tế nhỏ khác đang trải qua giai đoạn thách thức chưa từng có; những dự báo trên và những điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam khá “hiếm hoi”.
Nhưng tất nhiên, giữa bối cảnh chung đó, đối với khu vực kinh tế đối ngoại, sự giảm tốc trầm trọng hơn so kỳ vọng của các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam sẽ là rủi ro chính.
Việc tiếp tục giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể khiến tình trạng gián đoạn chuỗi giá trị kéo dài hơn và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã làm tăng mức độ bất định và có thể gây ra những thay đổi trong xu hướng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế có độ mở cửa cao như Việt Nam...
Trong khi đó, trong nội tại nền kinh tế, dường như các thách thức mang tính dài hạn nhiều hơn, bao gồm những khó khăn trong hoạt động kinh doanh tiếp tục hiện hữu ở một số ngành và tình trạng thiếu lao động. Đồng thời, cũng giống như nhiều nền kinh tế, lạm phát đang gia tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng hộ dân cư, vốn rất mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.
Giám đốc WB Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, trước những thách thức đang hiện hữu trong và ngoài, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn. Đổi mới hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam có thể hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển, phân tích của WB chỉ rõ.
Tuy nhiên, trên thực tế, xét về mặt này, theo đánh giá của WB, hiện nay, hệ thống giáo dục sau phổ thông của Việt Nam đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.
Khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông, bao gồm giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của học sinh Việt Nam, tính bằng tỷ lệ nhập học chung, đạt dưới 30%, một trong những mức thấp trong số các nước Đông Á và thấp hơn nhiều so với các nước có thu nhập cao hơn như Hàn Quốc (trên 98%), Trung Quốc (hơn 53%) và Malaysia (43%).
"Chuyển từ nông trại sang nhà máy"
Có một số nguyên nhân dẫn đến kết quả khiêm tốn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Về các yếu tố cầu bao gồm chi phí cơ hội và chi phí tài chính ngày càng lớn, trong khi nhận định về lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo đuổi giáo dục đại học là những lý do khiến nhu cầu trở nên yếu đi.
Ngoài ra, hệ thống còn có những bất cập khác, như về các yếu tố cung liên quan đến sự chênh lệch giữa kỹ năng được trang bị và việc làm, lao động chưa cung cấp được những kỹ năng mà chủ sử dụng lao động cần có, đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, cấu trúc thể chế quản trị giáo dục đại học còn yếu và manh mún.
Từ đó, WB xác định 4 ưu tiên đề xuất các cơ quan chức năng Việt Nam cần hành động để đạt được những kết quả giáo dục đại học cần thiết và đảm bảo lĩnh vực này đóng góp vào quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai của đất nước. 4 ưu tiên bao gồm: Nâng cao khả năng tiếp cận và công bằng; Cải thiện chất lượng và sự phù hợp; Đảm bảo nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này tốt hơn; Quản trị công lĩnh vực giáo dục đại học tốt hơn.
Trên thực tế, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định giáo dục đào tạo là quốc sách, đầu tư cho giao dục đào tạo là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, trong tổng thể đầu tư nguồn lực tài chính nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước) cho phát triển đất nước đã ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, một trong những lĩnh vực được đầu tư lớn nhất.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước. Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 để điều chỉnh về đầu tư công, trong đó có đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo Bộ Tài chính, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo như sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập và bổ sung đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.
Cùng với đó là các chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; các chính sách về cấp học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, hỗ trợ gạo... cho học sinh, sinh viên; trong đó ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là người các dân tộc ít người…
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia kinh tế lao động Valentina Barcucci, thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực FDI hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, với đổi mới, sáng tạo và một lực lượng lao động có kỹ năng lại là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa.
Cụ thể, đây là bước chuyển mới - "một yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong hai thập niên qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Có lẽ Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất".
Đó là bài toán đặt ra cho giáo dục sau phổ thông, mà Việt Nam cần một lời giải hợp lý.