Đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nên tập trung vào đâu?
Đặt ra câu hỏi 'Đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nên tập trung vào đâu?', ông Nguyễn Văn Khoa - TGĐ FPT chỉ ra lộ trình 3 giai đoạn: ngắn hạn: thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn: sản xuất; dài hạn: làm chủ công nghệ lõi.
Trong khuôn khổ diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - VFTE ngày 11/12, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip.
Tổng giám đốc FPT dẫn số liệu của CDI - quy mô thị trường Công nghệ Điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Bộ Công Thương thống kê tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định: “Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh - là đầu ra cho con chip. Vì vậy Phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử”.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, cần đi song song: Phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn. Để Việt Nam làm chủ chip bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn, đó là chính sách ngoại giao cởi mở, ưu thế về địa chính trị, nguồn nhân lực trẻ và tài năng.
Đặt ra câu hỏi: "Đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nên tập trung vào đâu?", ông Nguyễn Văn Khoa chỉ ra lộ trình 3 giai đoạn: ngắn hạn: thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn: sản xuất; dài hạn: làm chủ công nghệ lõi.
Từ câu chuyện hấp dẫn về hành trình nhiều gian nan của con chip suốt 10 năm của Tập đoàn, Tổng giám đốc FPT truyền cảm hứng để các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, vượt qua thách thức để đưa chip nói riêng và sản phẩm Make in Việt Nam nói chung ra nước ngoài. “Hy vọng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới”, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.
Tại lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023, Bộ TT&TT đã vinh danh sản phẩm, dịch vụ, giải pháp Made by FPT đạt giải thưởng Make in Vietnam gồm: sản phẩm Chip, akaMES; Confidon, FPT IDCheck. Đây cũng là hệ sinh thái sản phẩm, giải pháp “Công nghệ số kiến tạo doanh nghiệp số thông minh” được FPT trưng bày tại sự kiện.
Năm 2022, Tập đoàn FPT thành lập Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) thiết kế và sản xuất chip vi mạch. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn (PMIC - Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase). FPT Semiconductor đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giải pháp điều độ sản xuất thông minh - akaMES lọt top sản phẩm số cho thị trường nước ngoài. akaMES là bộ phần mềm quản trị giúp các doanh nghiệp sản xuất vận hành linh hoạt. akaMES giúp giảm 90% giấy tờ truyền thống, đáp ứng 100% yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc, tiết kiệm 20% thời gian và 25% chi phí vận hành sản xuất cho doanh nghiệp.
Sản phẩm Confidon ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy trong chuyển đổi số ngành bảo hiểm. Sản phẩm hỗ trợ tự động hóa trong quy trình thẩm định, bồi thường, dự báo khách hàng rời bỏ công ty bảo hiểm. Hiện, sản phẩm được sử dụng tại Việt Nam và Philippines; Số lượng hợp đồng thẩm định và xử lý bồi hoàn lên đến 5000 giao dịch/ngày.
Giải pháp chống giả mạo xác thực số - FPT.IDCheck đáp ứng toàn diện nhu cầu xác thực dữ liệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, chiếm thị phần số một trong mảng tài chính - ngân hàng. Giải pháp giúp tự động trích xuất thông tin trên CCCD, phát hiện 100% các trường hợp dùng CCCD giả.