Đầu tư cho pháp luật phải là nguồn lực đầu tư công trung hạn, hàng năm

Để thực sự tạo đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ kiến nghị, cần đầu tư nguồn lực tài chính thỏa đáng cho xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thực hiện pháp luật, coi đây là một nguồn lực đầu tư công trung hạn và hằng năm của Nhà nước.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ tham gia một hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh: quochoi.vn)

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ tham gia một hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh: quochoi.vn)

Chuyển trọng tâm vào giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật

Phát biểu tại Tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức mới đây, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những việc cần làm trong bài phát biểu mang tính vừa tổng quan, vừa quán triệt ý nghĩa lớn lao về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới. Theo GS. Quế, thông điệp của Tổng Bí thư về “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, “chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất…” rất được lòng dân.

GS.TS Hoàng Thị Kim Quế cũng cho rằng, pháp luật phải ứng phó, không phải “hộ đê”, nhưng làm luật cũng không được quá cảm xúc. Pháp luật có nhiều đặc tính, trong đó phải có tính chuẩn mực - “luật phải ra luật”, phải có tính khả thi, ổn định. Vì vậy, các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư rất đúng, rất trúng cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời phải liên kết thông điệp “từ bỏ tư duy quản không được thì cấm” đến nguyên tắc “vàng” là người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

Bà Hoàng Thị Kim Quế kiến nghị, về xây dựng pháp luật, chúng ta đã, đang và sẽ phải chuyển dần từ tư duy làm luật kiểu liệt kê, sang phương pháp mới là loại trừ - có danh mục cấm rõ ràng và đưa ra khoảng tự do. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu phải ngồi lại với nhau. Đồng thời, chúng ta cũng chuyển dần từ tư duy xây dựng pháp luật nhằm quản lý cho chặt sang tư duy xây dựng pháp luật cho đổi mới sáng tạo.

Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, có 2 văn bản luật càng hoàn thiện; xây dựng, ban hành càng nhanh càng tốt trong bối cảnh hiện nay. Đó là Luật của luật - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hiện có khoảng 15 nước có luật này) cần sớm được sửa đổi và nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật - luật này vô cùng cần thiết đối với Việt Nam để làm rõ kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Đồng tình, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cũng đề nghị chú trọng đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật. Theo ông, tổng kết thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thấy, mảng tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh pháp luật chưa cao. Nguyên nhân là khâu tổ chức thực hiện pháp luật còn bị coi nhẹ, chưa có những giải pháp thực sự đột phá trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính cho tổ chức thực hiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của công tác này. Thực tế đã cho thấy, dù chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt nhưng nguồn lực, công cụ và biện pháp thực thi kém, ý thức pháp luật của người dân thấp thì hệ thống pháp luật đó cũng chỉ nằm trên giấy mà không đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng được.

Từ đó, ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, tư duy lập pháp về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật cần phải thay đổi. Cụ thể là cần đầu tư nguồn lực tài chính thỏa đáng cho xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thực hiện pháp luật, coi đây là một nguồn lực đầu tư công trung hạn và hằng năm của Nhà nước; cần đổi mới cơ bản các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức tiếp cận pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội; chuẩn hóa các chế tài pháp lý đủ mạnh, có tính răn đe và phòng ngừa cao; xử lý vi phạm pháp luật nghiêm minh, nhất quán, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của điều chỉnh pháp luật.

Ngoài ra, theo ông Đinh Dũng Sỹ, cần đổi mới tư duy làm luật theo hướng cần phải tập trung sự quan tâm vào việc xây dựng các định hướng chính sách. Theo đó, tất cả các hoạt động như tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm, thu thập thông tin, phân tích và lựa chọn chính sách, đánh giá tác động của chính sách cần phải được làm thật kỹ lưỡng. Đề án chính sách cần phải được xây dựng và thông qua một cách bài bản, nghiêm túc mới đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hằng năm. Khi đó, việc viết luật (quy phạm hóa chính sách) không còn là vấn đề khó, không còn bị áp lực về mặt thời gian, phải vừa chạy, vừa xếp hàng; việc soạn thảo luật không nhất thiết phải giao cho cơ quan đã đề xuất chính sách (thường là cơ quan quản lý nhà nước) mà có thể có một ban soạn thảo độc lập, gồm những chuyên gia xây dựng pháp luật chuyên nghiệp đảm nhiệm, thậm chí có thể thuê một công ty luật soạn thảo, tránh được những tư tưởng cục bộ, lợi ích ngành, lĩnh vực như lâu nay vẫn từng tồn tại.

Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định nhưng việc hình thành các đề nghị xây dựng luật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của nhà làm luật. Nhiều đề nghị xây dựng luật được làm một cách hình thức, đối phó, đánh giá tác động hời hợt, một chiều. Nếu chúng ta làm tốt được khâu đề nghị xây dựng luật (đề án hóa chính sách) thì câu chuyện viết luật và trình luật (quy phạm hóa chính sách) sẽ không còn tình trạng “bắc nước chờ gạo” như lâu nay.

Cần tạo sự chủ động và chịu trách nhiệm về lập pháp, lập quy

Còn GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn giao thời, chuyển đổi từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác nên cần có nhiều thảo luận về vấn đề trên thì mới xác định được hướng đi sắp tới như thế nào, cái gì có thể tiếp tục thực hiện và cái gì cần phải đổi mới.

GS.TS Phan Trung Lý. (Ảnh: P.Mai)

GS.TS Phan Trung Lý. (Ảnh: P.Mai)

GS. Phan Trung Lý nhắc đến các phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV. Như vậy, Đại hội XIV sẽ có những quyết sách rất mới và những thảo luận về vấn đề này sẽ góp phần rất tích cực để làm nên những chủ trương mới, những đường lối mới cho giai đoạn mới.

Về đổi mới tư duy, nhìn lại quá trình Đổi mới của chúng ta đã được 40 năm, từ những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, chúng ta xác định đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy và bây giờ chúng ta trở lại đổi mới tư duy và ở đây cụ thể là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. “Như vậy, phải chăng là tư duy xây dựng pháp luật đang lạc hậu, chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới chung?”, GS.TS Phan Trung Lý nêu vấn đề và cho rằng, cần phải có một bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bởi xây dựng pháp luật gồm nhiều công đoạn, nhiều bộ phận hợp thành nên trước tiên chúng ta cần lắng nghe được đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung của Việt Nam trong giai đoạn mới là gì? Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhưng từng bộ phận, từng công đoạn của nó là gì và điều gì là quan trọng?

Về đổi mới tư duy, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, trước hết cần phải xem là chúng ta đang tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao và cách làm luật của chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam với pháp luật thế giới? Cách làm luật của chúng ta hiện nay với giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra như thế nào? Cần làm rõ những “điểm nghẽn” là gì, có phải cả thể chế là “điểm nghẽn” không, hay chỉ có một số “điểm nghẽn” và một số “điểm nghẽn” này là những gì?

Đặc biệt, GS.TS Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Luật phải là luật, không yêu cầu luật rộng hay luật hẹp. Luật phải được ban hành theo quy trình nhất định và phải được thực hiện nghiêm chỉnh, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh”. Từ đó, GS. Phan Trung Lý đề xuất, thời gian tới, chúng ta cần cụ thể hóa việc đổi mới tư duy trong quan niệm hệ thống pháp luật, giữa pháp luật với các quy phạm khác (quy phạm xã hội, quy phạm đạo đức).

Cho biết các nước phương Tây hiện nay giải quyết các tranh chấp không còn chủ yếu bằng biện pháp tư pháp, GS.TS Phan Trung Lý ví dụ, ở Anh, việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp phi tư pháp chiếm từ 65 - 75%. Do đó, vấn đề tư pháp thế nào, mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa lập pháp và lập quy như thế nào phải xác định rất rõ. Trên cơ sở đó, GS. TS Phan Trung Lý khẳng định, lập pháp là quyền của Nhân dân, Nhân dân giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập pháp.

Có một nguyên tắc là lập pháp không ủy quyền, nhưng chúng ta hiện nay ủy quyền rất nhiều. Ông đề nghị không tiếp tục ủy quyền, đổi mới tư duy phải xác định rõ ràng thẩm quyền lập pháp đến đâu, phạm vi lập pháp đến đâu, lập pháp những vấn đề nào? Trong thẩm quyền lập pháp này, thẩm quyền nào thuộc Quốc hội, thẩm quyền nào thuộc Nhân dân. Nghĩa là chúng ta cần “canh đoạn”, đoạn nào lập pháp, đoạn nào lập quy và khi xác định rõ phạm vi lập pháp, phạm vi lập quy sẽ không còn tình trạng cứ phải Quốc hội ủy quyền thì Chính phủ mới làm. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền hành pháp phải có không gian của hành pháp và không gian hành pháp phải bao gồm từ xây dựng thể chế cho đến thực hiện.

“Ta không đi vào đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, không xác định được thẩm quyền, phạm vi sẽ rất khó đổi mới”, GS. TS Phan Trung Lý nhấn mạnh. Do đó, Quốc hội không thể ủy quyền mãi được mà phải xác định phạm vi cho từng cơ quan để các cơ quan chủ động trong không gian của mình và chịu trách nhiệm về việc đó.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dau-tu-cho-phap-luat-phai-la-nguon-luc-dau-tu-cong-trung-han-hang-nam-post537839.html