Lựa chọn vấn đề trọng tâm để phản biện dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Chiều 16/1, tại Hà Nội, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị thảo luận để dự kiến các nội dung cần tập trung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, trên cơ sở nghiên cứu những ưu điểm, hạn chế của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2020) và các quy định của dự thảo Luật này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất một số vấn đề cần tập trung phản biện xã hội sẽ tổ chức vào ngày 20/1/2025.
Các vấn đề bao gồm các quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật; các quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các quy định về trình tự, thủ tục xây dựng ban hành VBQPPL của các chủ thể trong dự thảo Luật; về phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; về đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó tập trung vào các quy định đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; các quy định về phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo và việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật.
Đóng góp ý kiến đối với nội dung cần tập trung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trong Hội nghị phản biện chính thức sắp tới, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần rà soát và xác định được vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Dự thảo Luật cũng cần nêu rõ thẩm quyền của MTTQ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Theo TS. Nguyễn Quang Minh, Chuyên viên cao cấp Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam, cần xác định những vấn đề trọng tâm để tham gia phản biện xã hội, tránh dàn trải để đạt được hiệu quả tốt nhất. Cụ thể, nên bổ sung vấn đề về phát huy dân chủ, đưa nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong dự thảo Luật. Từ nguyên tắc này cũng cần xác định rõ quy trình đảm bảo sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.
"Cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận, vai trò của nhân dân trong xây dựng chính sách, pháp luật. Nên có một chương riêng trong dự thảo Luật quy định về thẩm quyền và quy trình tham gia góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân", ông Minh đề xuất.
Tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Liên, khẳng định, các ý kiến có ý nghĩa quan trọng, giúp văn bản phản biện có chất lượng tốt nhất, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), phù hợp với tư duy lập pháp mới, qua đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.