Đầu tư cho trẻ em để bảo đảm sinh lực quốc gia
Trẻ em không chỉ là niềm hy vọng của mỗi gia đình mà còn là nguồn lực quý giá cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Đầu tư vào trẻ em chính là đặt nền móng vững chắc cho một xã hội thịnh vượng và công bằng trong tương lai. Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của các em vào quá trình phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các cháu khuyết tật trong chuyến thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội ngày 31/5/2024. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc)
Khủng hoảng khí hậu và môi trường tác động đến cuộc sống trẻ em
Ngày 20/11 hàng năm là Ngày Trẻ em thế giới đánh dấu việc thông qua Công ước về quyền trẻ em (CRC). Ngày 20/11/2024, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm với chủ đề “Hành động vì khí hậu hôm nay, vì lợi ích của thế hệ mai sau”. Tại buổi lễ, theo Báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới 2024: Tương lai của trẻ em trong một thế giới đang thay đổi” dự báo ba xu hướng lớn là: khủng hoảng khí hậu và môi trường, thay đổi nhân khẩu học và công nghệ đột phá, sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em vào năm 2050 và xa hơn thế.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu và trẻ em bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Những cú sốc nghiêm trọng do khí hậu gây ra như hạn hán, bão, lở đất và lũ lụt, dẫn đến sự gián đoạn đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, xã hội và bảo vệ trẻ em thiết yếu, đã có tác động mạnh đến cuộc sống của hàng triệu trẻ em và gia đình, gây ảnh hưởng đến khả năng sống, phát triển và đạt được tiềm năng tối đa của trẻ em. Đơn cử như vào tháng 9/2024, tác động tàn phá của thảm họa khí hậu được minh chứng rõ ràng khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào phần lớn miền Bắc Việt Nam. Bão, lở đất và lũ quét đã buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và nơi ở. Trường học, cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Trẻ em và các gia đình là những chủ thể bị ảnh hưởng rất lớn và cần thời gian rất dài để phục hồi.
Vì thế, phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới tại Việt Nam năm 2024, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Silvia Danailov đã nhấn mạnh: “Bão Yagi đã cho thấy một sự thật rằng biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng. Đây không phải là vấn đề của thế hệ sau, mà đã là vấn đề của chính chúng ta. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ trẻ em và các gia đình khỏi tác động và sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Mọi trẻ em đều có quyền có một tương lai an toàn và tươi sáng”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ở thời điểm tháng 11/2024, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong việc đối phó với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đối với trẻ em. Chính phủ vẫn kiên định cam kết thúc đẩy các chính sách và quan hệ đối tác nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro liên quan đến khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua những nỗ lực chung, không mệt mỏi, chúng ta có khả năng biến những khó khăn như bão Yagi thành động lực để thúc đẩy phát triển. Cách tiếp cận này bảo đảm rằng mỗi trẻ em đều có thể hy vọng vào một tương lai không chỉ an toàn và khỏe mạnh, mà còn có thể phát triển hết tiềm năng của mình”.
Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em
Bên cạnh tác động của khủng hoảng khí hậu và môi trường đến cuộc sống trẻ em, thì hiện tại mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa; nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chưa được tiếp cận đầy đủ với giáo dục chất lượng, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và hiệu quả từ các cơ quan chức năng; hệ thống dịch vụ hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội, còn hạn chế…

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Ngày 31/5/2024, trong chuyến thăm, tặng quà các thầy, cô giáo, các cháu học sinh tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, nhanh và mang lại hiệu quả cao. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan; coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài. Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức thực hiện thông suốt, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương tới cấp cơ sở, huy động mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình để các cháu học sinh có điều kiện học tập, trong đó các cháu khuyết tật được chăm sóc, giáo dục, có cơ hội vượt qua nghịch cảnh, phát huy tốt nhất khả năng của mình. Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và Nhân dân luôn quan tâm, đầu tư, chăm lo cho công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi...
Thủ tướng khẳng định, sự quan tâm, chăm lo đó đã mang lại những kết quả rất tích cực, trẻ em khuyết tật được đặc biệt quan tâm, theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Quỹ bảo trợ trẻ em VN)
Cũng cần khẳng định rằng, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em không chỉ diễn ra trong Tháng Hành động vì Trẻ em. Mà đó “là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no”, như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Việc đầu tư vào trẻ em không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự đầu tư chiến lược cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Để khắc phục những thách thức trên và bảo đảm quyền lợi cho trẻ em, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: ưu tiên ngân sách cho các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, pháp lý cho trẻ em và gia đình; nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em và các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại; tạo điều kiện để trẻ em được tham gia vào các quyết định liên quan đến cuộc sống của mình, từ gia đình đến cộng đồng; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNICEF để học hỏi kinh nghiệm và huy động nguồn lực cho các chương trình vì trẻ em...
Tháng Hành động vì Trẻ em 2025 là dịp để toàn xã hội cùng nhìn nhận lại những nỗ lực đã qua và cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hành động ngay hôm nay để bảo đảm một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau.
Theo Cục Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, năm 2025, Tháng Hành động vì Trẻ em 2025 (từ 1 - 30/6) có chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em” nhằm tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, cấp, ngành về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em đã đề ra. Các hoạt động trong tháng hành động bao gồm: tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh; tổ chức hoạt động vẽ tranh của trẻ em với thông điệp “Vì sự an toàn của chúng em”; khởi động chiến dịch dạy bơi an toàn cho trẻ em; phát động truyền thông chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em...