Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Kháng, La Ha; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mường La tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sinh kế, đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng bước giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến bản Huổi Liếng, địa bàn có đông đồng bào La Ha sinh sống của xã Nặm Păm, chúng tôi nhận thấy niềm vui của bà con khi tuyến đường dài hơn 2,2 km từ trung tâm xã về bản đã được đổ bê tông. Với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng, từ nguồn vốnChương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khởi công từ tháng 2/2023, sau 9 tháng thi công, đến nay, tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp 40 hộ dân của bản đi lại thuận tiện.
Ông Cà Văn Sang, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Liếng, phấn khởi: Có đường mới nhân dân rất phấn khởi, đi lại thuận tiện hơn trước; nông sản làm ra được thương lái về tận bản thu mua. Cấp ủy, chi bộ sẽ vận động bà con thường xuyên bảo dưỡng tuyến đường để sử dụng lâu dài.
Cuối năm ngoái, 59 hộ nghèo đồng bào Mông và La Ha các bản Lạng Xua, Nong Hoi Dưới, Pá Xá Hồng, Hán Trạng, Sạ Súng thuộc xã Chiềng Ân, được UBND huyện hỗ trợ téc chứa nước sạch. Ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 6 bản, 567 hộ; trên 44% hộ nghèo. Dân cư thưa thớt, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, nên việc lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt cho nhân dân gặp nhiều trở ngại. Được hỗ trợ téc chứa nước đã giúp nhân dân bớt khó khăn trong dự trữ nguồn nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện, thông tin: Hằng năm, Phòng tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát cơ sở hạ tầng các bản, nhu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách; triển khai hỗ trợ theo kế hoạch, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ nhà ởcho 48 hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà ở dột nát thuộc 9 xã. Hỗ trợ nướcsinh hoạt phân tán cho 59 hộ ở xã Chiềng Ân. Hỗ trợ bò cái sinh sản cho 926 hộ thuộc25 bản của 12 xã. Đầu tư trên 21 tỷ đồng bố trí sắp xếp ổnđịnh dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai bản Ít, xã Nặm Păm và điểm tái định cư Chà Lào (Pá Hát), xã Pi Tong. Tập huấn kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch trên địa bàn xãNgọc Chiến. Tổ chức hội thảo đánh giá tác động người laođộng làm việc ngoài địa bàn huyện tại xã Pi Toong.
Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư trên 133 tỷ đồng xây dựng 62 công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó, cải tạo, nâng cấp 2 công trình chợ; xây dựng mới 48 công trình cơ sở hạ tầng ở xã đặc biệt khókhăn và 12 công trình cơ sở hạ tầng ở bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú tại Trường tiểu học Chiềng Công, PTDT bán trúChiềng Công, PTDT bán trú TH&THCS Nậm Giôn, TH&THCS Chiềng Muôn, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Hỗ trợ trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng cho các xã Chiềng Công, ChiềngÂn, Chiềng Muôn, Nậm Giôn; phục dựng lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ phát triển sản xuất còn gặp khó khăn, do chưa có quy định, hướng dẫn rõ về tạm ứng, thanh quyết toán cho đơn vị chủ trì liên kết; chưa có hướng dẫn việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án, kế hoạch liên kết của đơn vị chủ trì liên kết. Chưa có hướng dẫn và ban hành danh mục nghề, định mức kinh tế - kỹ thuật các nghề đào tạo dưới 3 tháng và trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, huyện Mường La rất cần các cấp, các ngành có văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất để triển khai thực hiện, tạo đà cho bà con vươn lên phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo bền vững.