Đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối đến vùng nguyên liệu
Thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác, đầu tư trang thiết bị, tập huấn phát triển năng lực quản lý và phát triển hợp tác xã (HTX)… Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các tổ chức nông dân, HTX để phát triển lúa gạo bền vững.
Tuyến đường dài hơn 2.200m từ mép lộ nhựa ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) đến vùng sản xuất tập trung của xã đang trong giai đoạn thi công. Dù tuyến đường này chỉ được bơm cát xong hơn nửa tháng nay nhưng nhiều nông dân trồng lúa, rau màu trong khu vực vẫn có thể chạy xe máy ra vào thăm ruộng thoải mái.
Ông Sơn Hữu Phương - thành viên HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng cho biết: “Bà con nông dân ở khu vực này phấn khởi lắm, khi tuyến đường này được thi công xong sẽ giúp chúng tôi vận chuyển nông sản một cách dễ dàng, không mất nhiều thời gian và chi phí do phải vận chuyển bằng ghe xuồng như trước”.
Tuyến đường trên nằm trong hạng mục của Công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng do Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư. Công trình có tổng kinh phí gần 7,5 tỉ đồng, trong giai đoạn 1 sẽ thi công tuyến đường dài 2.200m, rộng 3,5m. Ngoài hạng mục này, công trình còn xây thêm 1 chiếc cầu và 2 cống để phục vụ cho vùng chuyên canh màu và sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn xã.
Để thực hiện công trình, UBND xã Đại Tâm đã vận động người dân trong vùng hưởng lợi Dự án VnSAT hiến diện tích đất có công trình đi ngang và nhanh chóng nhận được sự đồng tình cao của nông dân. Đồng chí Trương Tấn Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết, trong khu vực sản xuất tập trung hiện có cánh đồng mẫu lớn 656ha ở 6 ấp, trong đó có 1 HTX và 6 tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản. Giai đoạn 1 của công trình có 26 hộ hiến đất với tổng diện tích hơn 11.000m2 bởi nhiều hộ nhận ra rằng, khi công trình hoàn thành không những giúp nông dân thuận tiện hơn trong việc đi lại mà còn phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hóa để nâng cao giá trị nông sản. Ngoài ra, khi cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất tập trung được hoàn thiện, còn giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong bao tiêu sản phẩm của nông dân. Từ đó, đời sống và thu nhập của nông dân ngày càng phát triển.
HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng là đơn vị được hưởng lợi trực tiếp từ công trình vì diện tích trồng lúa của HTX nằm trong vùng sản xuất tập trung của xã. Ông Trầm Sanh - Giám đốc HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng cho biết, HTX hiện canh tác một số giống lúa thơm và lúa ST24. Thời gian qua, khi tham gia Dự án VnSAT, thành viên HTX được tập huấn về kỹ thuật trồng lúa tiên tiến nên ý thức canh tác được nâng cao, từ đó làm giảm chi phí trong sản xuất và tăng năng suất mùa vụ. Với việc hỗ trợ công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX thì nông dân được hưởng lợi rất nhiều vì trước đây việc vận chuyển lúa gạo chủ yếu bằng ghe, xuồng.
Theo đồng chí Trương Tấn Lâm, dự kiến trong giai đoạn 2 của công trình sẽ đầu tư thêm tuyến đường dài hơn 3.400m. Ngoài ra còn xây dựng thêm 5 cây cầu và 1 cống. UBND xã đang tham vấn cộng đồng và phần lớn nông dân đồng tình để thực hiện tiếp giai đoạn 2. Trên cơ sở đó, UBND xã sẽ tiếp tục vận động những hộ bị ảnh hưởng hoàn tất thủ tục để hiến đất thực hiện công trình.
Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ chính được thực hiện từ năm 2015 - 2020 gồm 4 hợp phần chính, trong đó có hợp phần Hỗ trợ lúa gạo phát triển bền vững. Để thực hiện tốt hợp phần này, ngoài việc nâng cao kiến thức canh tác lúa theo hướng giảm giá thành, thân thiện với môi trường cho nông dân vùng VnSAT trên địa bàn tỉnh thì việc hỗ trợ để hoàn thiện về cơ sở hạ tầng tại các tổ chức nông dân, HTX là rất cần thiết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tổ chức nông dân được lựa chọn đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đã có nhiều đơn vị được bàn giao công trình và đi vào hoạt động. Hạ tầng đầu tư gồm các công trình, như: đường giao thông nông thôn kết nối vùng nguyên liệu, cầu giao thông nông thôn kết nối đường giao thông nông thôn, cống phục vụ tưới, tiêu nước, trạm bơm nước tập trung, đặc biệt là hệ thống nhà kho và lò sấy lúa được đầu tư kiên cố sẽ đảm bảo được chất lượng hạt lúa sau thu hoạch, cũng như bảo vệ lợi ích cho người nông dân để bà con không bị thương lái ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch.