Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại huyện Mai Sơn, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo, triển khai các công trình cơ sở hạ tầng tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Huyện Mai Sơn có 22 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã, 123 bản đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72%. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch huyện, cho biết: Với mục tiêu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện đã lồng ghép, ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, tập trung cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhà văn hóa xã, bản... Hiện nay, huyện đang chỉ đạo sát sao các bước về thủ tục đầu tư. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ủng hộ và giám sát quá trình triển khai các công trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn.
Bản Dăm Hoa, xã Chiềng Mai được sáp nhập từ 3 bản Dăm, Cáy Ton và Hoa Sơn 2. Sau sáp nhập, bản có 117 hộ với 510 nhân khẩu. Số hộ trong bản tăng khiến nhà văn hóa bản trước đây không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của các hộ dân. Đầu năm 2023, công trình nhà văn hóa bản được khởi công với tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng, diện tích trên 150 m2, trong đó Nhà nước đầu tư 950 triệu đồng, nhân dân đóng góp 50 triệu đồng. Sau 5 tháng thi công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Tòng Văn Hường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Dăm Hoa, phấn khởi: Có nhà văn hóa, bà con dân bản phấn khởi lắm. Mỗi khi xã, bản tổ chức họp triển khai các công việc đều thuận lợi, các hộ dân được dự đông đủ. Ngoài ra, có nhà văn hóa kiên cố, khang trang, cùng với sân thể thao rộng rãi đã tạo thuận lợi cho bà con vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên.
Còn tại xã Chiềng Dong, năm 2023, xã được đầu tư tuyến đường dài 3,5 km từ bản Nà Khoang đi bản Ngòi, xã Chiềng Chung. Công trình có tổng mức đầu tư gần 5,6 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư trên 5,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 283 triệu đồng. Ông Hoàng Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đây là công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhân dân đóng góp 5% trị giá của dự án. Để tạo sự đồng thuận của nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức họp, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án. Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng đã phân công cho tổ giám sát cộng đồng của xã, bản thường xuyên cùng với đơn vị thi công kiểm tra giám sát, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Đến thời điểm này, nhân dân 4 bản có tuyến đường đi qua đã đóng góp trên 204 triệu đồng; hiến trên 5,7 ha đất, nhiều tài sản hoa màu và bàn giao mặt bằng, đã hoàn thành thi công nền đường sớm hơn dự kiến.
Năm 2023, huyện Mai Sơn triển khai thực hiện 74 công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, tổng mức đầu tư trên 102,9 tỷ đồng, gồm 37 công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 37 công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã giải ngân thanh toán trên 34,5 tỷ đồng; có 4 công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; 40 công trình đang triển khai thi công; 28 công trình đang trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; 2 công trình đang giải phóng mặt bằng để triển khai thi công.
Nhanh chóng hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, huyện Mai Sơn tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thực hiện giải ngân các nguồn vốn năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Đối với các dự án chuyển tiếp, huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án theo tuần, tháng để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án.