Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719), đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giúp các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Năm 2024, huyện Thuận Châu được giao trên 288 tỷ đồng bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp để thực hiện các dự án Chương trình 1719. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn, đầu tư xây dựng 18 công trình chuyển tiếp từ năm trước và khởi công mới 19 công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, bản đặc biệt khó khăn; cải tạo, nâng cấp chợ xã Mường Khiêng; xây dựng công trình nhà lớp học Trường THCS Mường Bám; hỗ trợ trang thiết bị cho 68 nhà văn hóa xã, bản; xây dựng 13 công trình tại các bản đặc biệt khó khăn có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống.
Tháng 8 vừa qua, công trình điểm trường mầm non bản Song, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, gồm nhà lớp học 1 tầng, 1 phòng học, 1 phòng công vụ và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình 1719, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp con em đồng bào dân tộc Thái và La Ha của bản được học tập, chăm sóc tốt hơn.
Cô giáo Lê Thị Minh Huệ, Hiệu phó Trường Mầm non Vành Khuyên Chiềng La, chia sẻ: Điểm trường bản Song có 26 trẻ, từ 3-5 tuổi. Trước đây, điểm trường là phòng lắp ghép, lợp tôn, nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Điểm trường được đầu tư xây dựng lớp học mới khang trang, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ; đồng thời, góp phần giúp nhà trường từng bước hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.
Ông Lò Văn Quý, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, cho biết: Với những nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Thuận Châu không ngừng được cải thiện và nâng cao; bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục có nhiều đổi mới. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 71,5% đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa; 63,3% trường lớp, 55% số trạm y tế được kiên cố hóa; 99,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,8% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 259/336 bản, tiểu khu có nhà văn hóa...
Còn tại huyện Mường La, giai đoạn 2021-2024 huyện đã phân bổ trên 410 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình 1719, đầu tư 7 công trình nước sinh hoạt tập trung; 62 công trình đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cho các xã, bản đặc biệt khó khăn; 62 công trình đường giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa... phục vụ sản xuất, đời sống đồng bào dân tộc La Ha. Đến đầu tháng 11/2024, UBND huyện đã giải ngân trên 213 tỷ đồng, đạt gần 52% kế hoạch.
Ông Đoàn Quang Mạnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường La, chia sẻ: Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, góp phần giảm khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn; các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Sơn La được giao trên 4.194 tỷ đồng thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình 1719; trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 4.008 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 161 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 25 tỷ đồng. Đã hỗ trợ nhà ở cho 455 hộ; 3.781 hộ được hỗ trợ thiết bị chứa nước sinh hoạt phân tán và hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung; xây dựng 15 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tập trung cho 960 hộ; 93 công trình giao thông nông thôn, tổng chiều dài 51,8 km; 14 công trình điện sinh hoạt; 150 nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng 80 công trình nhà lớp học; cải tạo, xây mới 26 công trình thủy lợi...
Các chương trình, dự án được thực hiện từ Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh, đã tạo thêm động lực, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; có 44% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.