Đầu tư có trọng điểm, bảo đảm mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào Dân tộc thiểu số

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu các địa phương hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Chương trình MTQG 1719; bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và mang lại lợi ích thiết thực, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi.

 Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Chiều 23.12, tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) và đề xuất Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 - 2030 khu vực phía Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dự hội nghị có: Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG 1719 các tỉnh khu vực phía Nam.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, đến nay cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình MTQG 1719. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương cũng thường xuyên chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành trung ương và địa phương khẩn trương, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội giao. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình của các tỉnh khu vực phía Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả giải ngân của khu vực cao hơn so với kết quả giải ngân chung của cả nước và các chương trình MTQG khác.

Mặc dù Chương trình được tổ chức thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và chủ động, các địa phương địa bàn phía Nam đã tổ chức triển khai thực hiện tốt, bố trí ngân sách địa phương và lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình, dự án khác trên địa bàn nhằm tăng cường nguồn lực cho Chương trình. Ước đến 31.12.2024, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao. Điển hình là các tỉnh: Trà Vinh, Tây Ninh. Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

 Chủ tọa điều hành Hội nghị

Chủ tọa điều hành Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác rà soát, xây dựng, ban hành một số nội dung quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình tại một số địa phương còn chậm. Việc ban hành các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai văn bản hướng dẫn của cấp trung ương. Việc phân bổ vốn theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15 của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian.

Ngoài ra, nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình do đa số là các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ. Việc lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình MTQG và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp lúng túng. Việc giải ngân vốn có nhiều chuyển biến; tuy nhiên kết quả giải ngân còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp….

 Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; đánh giá kết quả cụ thể trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; đánh giá kết quả giải ngân các nguồn vốn thực hiện và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II từ năm 2026-2030; xác định khung pháp lý cũng như giải pháp, bước đi cụ thể nhằm mục tiêu xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù, lâu dài phù hợp với địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia DDTS và miền núi tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại phương, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc đề xuất phương hướng tháo gỡ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phấn đấu cuối giai đoạn hoàn thành cao nhất kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; đồng thời rút kinh nghiệm và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các địa phương trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện các dự án đã triển khai ở giai đoạn I, cần đề xuất cụ thể cơ cấu các dự án thành phần của Chương trình giai đoạn II bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào; tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững, không chỉ giải quyết các vấn đề ngắn hạn mà còn đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của vùng đồng bào DDTS và miền núi.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai và giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình; chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để có giải pháp tháo gỡ; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Nhật Trường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dau-tu-co-trong-diem-bao-dam-mang-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post400129.html