Đầu tư có trọng tâm, khai thác tối đa lợi thế để giảm nghèo

Những chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) như tín dụng, hỗ trợ sinh kế, cải tạo cơ sở hạ tầng... được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, KT-XH vùng 'lõi' trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Hỗ trợ sinh kế, tạo động lực vươn lên

Dù đã trải qua hai giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững theo phương thức tiếp cận đa chiều song thực tế cho thấy, giải pháp chính để giảm nghèo bền vững vẫn là cải thiện thu nhập cho người nghèo. Với các xã ĐBKK, phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, hỗ trợ một phần, có đối ứng để khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của người nghèo cần phải đề cao. Từ thay đổi nhận thức, nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt nguồn vốn để hỗ trợ sinh kế gắn với xây dựng mô hình, dự án sản xuất phù hợp điều kiện thực tế, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho bà con.

 Cơ sở hạ tầng bản Trại Mới, địa bàn ĐBKK xã Đồng Hưu (Yên Thế) được đầu tư, cải thiện đáng kể.

Cơ sở hạ tầng bản Trại Mới, địa bàn ĐBKK xã Đồng Hưu (Yên Thế) được đầu tư, cải thiện đáng kể.

Điển hình là huyện Yên Thế, nhờ linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, đầu tư trọng điểm nên kết quả giảm nghèo của huyện luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 4,91%, đến năm 2022 giảm còn 3,76%, năm 2023 còn 2,83%. Ngoài xã ĐBKK Đồng Vương, trên địa bàn hiện còn 19 thôn, bản ĐBKK.

Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: “Cùng với ưu tiên phân bổ nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng ở xã, thôn, bản ĐBKK, phòng tham mưu với UBND huyện triển khai nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo. Qua đó, tạo “vốn liếng” ban đầu để người dân thoát nghèo. Qua khảo sát, chúng tôi lựa chọn xây dựng dự án nuôi bò sinh sản bởi đây là con vật dễ nuôi, ít rủi ro về dịch bệnh, nguồn thức ăn là cây, cỏ dồi dào trong điều kiện địa hình nhiều đồi núi”. Năm nay, huyện được phân bổ 3,5 tỷ đồng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Để phát huy tối đa hiệu quả, cán bộ LĐTBXH các xã rà soát kỹ lưỡng, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu và năng lực để đối ứng kinh phí mua bò giống.

Trước đây, do thiếu vốn, không có nghề nghiệp ổn định, lại vất vả nuôi con một mình nên dù cố gắng mãi chị Lý Thị Bắc (SN 1973), dân tộc Nùng, thôn Tiến Bộ, xã Tiến Thắng (Yên Thế) vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Được hưởng hỗ trợ từ dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giúp đỡ, tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo nên chị mạnh dạn mua một con bò giống làm “sinh kế”. Chị Bắc xúc động chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt để bò mẹ sinh bê con đúng kỳ. Nếu suôn sẻ, với nguồn thu không nhỏ từ chăn nuôi bò, cộng với tiền lãi từ 3 sào hoa màu sẽ giúp cuộc sống của mẹ con tôi cải thiện hơn trước, ước mơ thoát nghèo của gia đình chắc không còn xa”.

Được tư vấn chuyển đổi nghề, hỗ trợ đào tạo nghề và vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo đã phát triển mô hình sản xuất, tăng thu nhập và tiến tới thoát nghèo. Như chị Vi Thị Mạnh (SN 1994), thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2022. Hai vợ chồng chị được bố mẹ cho ra ở riêng với tài sản là 60 cây vải thiều trồng trên đất cằn. Quyết tâm vượt khó, chị Mạnh bàn với chồng cải tạo vườn vải thiều, trồng thêm 100 cây táo, nuôi 30 con dê và nhận thuê bóc long nhãn cho nhà máy sản xuất đồ khô. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm, gia đình chị khấm khá dần, có điều kiện cho con ăn học.

Linh hoạt lồng ghép nguồn lực

Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn 24 xã ĐBKK ở 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, giảm 4 xã (của huyện Lục Nam) so với năm 2021; 244 thôn, bản ĐBKK. Số hộ nghèo còn hơn 3,6 nghìn, chiếm tỷ lệ 13,57%, giảm 8,33% so với năm 2021; số hộ cận nghèo còn hơn 4,1 nghìn, giảm 5,41% so với năm 2021, vượt mục tiêu đề ra.

Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn 24 xã ĐBKK ở 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, giảm 4 xã (của huyện Lục Nam) so với năm 2021; 244 thôn, bản ĐBKK. Số hộ nghèo còn hơn 3,6 nghìn, chiếm tỷ lệ 13,57%, giảm 8,33% so với năm 2021; số hộ cận nghèo còn hơn 4,1 nghìn, giảm 5,41% so với năm 2021, vượt mục tiêu đề ra.

Từ các chương trình hỗ trợ phát triển KT-XH của T.Ư, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tại các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền đưa ra giải pháp cụ thể nhằm khai thác tối đa lợi thế từng địa bàn.

Ví như xã Đại Sơn (Sơn Động), UBND xã thành lập Ban nông nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất nông sản an toàn; tăng cường quảng bá thương hiệu, tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12,3%.

Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, địa phương luôn bám sát phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Trong đó, ưu tiên phân bổ thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi ở các xã, thôn, bản ĐBKK, tạo tiền đề quan trọng giúp bà con giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi; lựa chọn mô hình giảm nghèo phù hợp để hỗ trợ bà con nhân rộng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có gần 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng ĐBKK được vay vốn ưu đãi. Năm 2023, các xã ĐBKK huyện Sơn Động còn hơn 2,6 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17%, giảm 12,48% (tương đương gần 1,9 nghìn hộ) so với năm 2021.

Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, dù đạt những kết quả tích cực song hiện nay, kết quả giảm nghèo tại những địa bàn ĐBKK còn thiếu bền vững, mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản còn cao. Năm 2024, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK giảm 3-4%; kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX còn 12,6%.

Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các địa phương chủ động rà soát, xác định lộ trình cụ thể đối với từng xã trong xây dựng nông thôn mới, trong đó đặt nhiệm vụ giảm nghèo lên hàng đầu; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ học nghề, trao sinh kế, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên; huy động nguồn xã hội hóa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách về vùng miền, nâng cao đời sống bà con vùng khó khăn.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dau-tu-co-trong-tam-khai-thac-toi-da-loi-the-de-giam-ngheo-083245.bbg