Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất

Chiều nay, 26/4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án Tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có khó khăn đặc thù (KKĐT), có tỷ lệ hộ nghèo cao do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì (ảnh chụp qua màn hình)

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì (ảnh chụp qua màn hình)

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, hội nghị do đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Hội nghị đã nghe đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tóm tắt một số nội dung của đề án về tiêu chí xác định thôn tập trung đông ĐBDTTS có KKĐT thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao và các ý kiến, đề xuất của các địa phương.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình

Đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các nội dung liên quan đến tiêu chí xác định thôn tập trung đông ĐBDTTS có KKĐT, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm bảo đảm đề án được thông qua sẽ thực hiện đúng nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất.

Đối với tỉnh Quảng Bình, tính đến đầu năm 2023, dân số dân tộc Chứt (nhóm dân tộc có KKĐT) có 1.809 hộ, 7.802 khẩu (chiếm 26,7% dân số dân tộc thiểu số), chủ yếu sinh sống tại 27 thôn, bản của 9 xã thuộc 3 huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch. Qua xem xét nội dung dự thảo đề án, tỉnh Quảng Bình thống nhất với phương án áp dụng tiêu chí thôn tập trung đông ĐBDTTS có điều kiện khó khăn theo dự thảo của Ủy ban Dân tộc.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã gợi ý các phương án giải quyết khó khăn của các địa phương khi thông qua đề án nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc lựa chọn các phương án phải bảo đảm đúng quy định, không được lãng phí, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nguyên tắc cốt lõi của chương trình. Ghi nhận các ý kiến, đồng chí giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại. Nếu có sự thay đổi so với phương án hiện hành thì quan trọng nhất là phải xử lý được các khó khăn của địa phương.

Quá trình triển khai cần rà soát các thủ tục, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh bảo đảm đúng quy định. Ủy ban Dân tộc tiếp tục rà soát, tính toán, đánh giá mức độ tích cực, hạn chế của từng phương án, những tác động của phương án. Có thể xem xét đi thực tế tại các địa phương hoặc đề nghị các địa phương báo cáo cụ thể tình hình, hiện trạng và hoàn thành các nội dung vào đầu tháng 5/2023 để thẩm định và triển khai thực hiện.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202304/dau-tu-co-trong-tam-trong-diem-ben-vung-tap-trung-cho-cac-xa-thon-ban-kho-khan-nhat-2208823/