Đầu tư công: Cơ hội với những doanh nghiệp Xây dựng
Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ sau khi các quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ và người dân cũng như doanh nghiệp đã quen với trạng thái 'bình thường mới'. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt trên 7% so với cùng kỳ và lạm phát được kiểm soát tốt, đạt mục tiêu dưới 4% của Quốc hội.
Nền kinh tế nhìn chung được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất tương đối thấp, duy trì tới khoảng quý 3 và gói hỗ trợ tài khóa hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế GTGT 2% cho hầu hết các mặt hàng thực sự kích thích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, xét trong gói hỗ trợ kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ thì ngân sách cho đầu tư công, phát triển hạ tầng giải ngân rất chậm và không đạt kỳ vọng (tính tới hết tháng 11/2022 mới chỉ đạt 58,33% kế hoạch) khiến cho nền kinh tế mất đi một động lực tăng trưởng cơ bản.
Theo Nghị quyết số 124/NQ-CP do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm 2022 đã nhấn mạnh việc giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả và đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Cùng với đó, từ Thông tin của Bộ Tài Chính, tính riêng tháng 10, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 44.626 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tốc độ giải ngân bình quân 9 tháng đầu năm 2022.
Với việc giải ngân đầu tư công chậm khiến cho tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng bị cản trở. Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ này:
Đầu tiên, về nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công.
Tiếp theo, liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt. Các cấp, các ngành, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.
Cuối cùng là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục, do vậy tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng. Một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói nên gặp tình trạng khó khăn khi xảy ra biến động giá, nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu ký hợp đồng trọn gói thi công còn cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, vai trò của đầu tư công là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023. Điều này sẽ là động lực cho nhóm ngành xây dựng, đặc biệt là những doanh nghiệp có năng lực thi công các gói thầu hạ tầng giao thông như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Tập đoàn CIENCO4 (C4G), CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV), CTCP FECON (FCN)…
Công ty Cổ phần FECON (FCN) là một doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ đầu tư công. Việc triển khai giải ngân đầu tư công chậm trong thời gian vừa qua của năm 2022 đã khiến cho đà phục hồi của công ty bị chậm lại. Tuy nhiên, FCN vẫn đang có trong tay nhiều dự án đầu tư công hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu trong thời gian tới, như dự án sân bay Long Thành, dự án Metroline 3 Hà Nội, dự án tuyến tránh Phủ Lý (Hà Nam)…
Ở lĩnh vực Công trình ngầm, FECON là nhà thầu Việt Nam đầu tiên tham gia vào công tác lắp ráp và vận hành robot đào hầm TBM tại 2 tuyến đường sắt đô thị Metro Line 1 TP HCM và Metro Line 3 Hà Nội. Bên cạnh đó, FECON cũng tham gia nhiều dự án hạ tầng trong và ngoài nước như đường cao tốc, đường quốc lộ, cầu cảng… với một số dự án tiêu biểu như Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Phủ Lý, Mở rộng cảng Thilawa (Myanmar), Cầu Bago (Myanmar), Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi…
Ngoài ra, FCN cũng đang mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực BĐS dân dụng tại một số đô thị lân cận các thành phố lớn. Hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Cả nước đã có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Những khu đô thị “xanh và bền vững”, với hệ thống hạ tầng thông minh, thân thiện, được ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
Nắm bắt xu hướng đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo, FECON còn mở rộng đầu tư sang mảng phát triển đô thị cùng các đối tác đã có nhiều kinh nghiệm trên thế giới để góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam từ trên 30% hiện nay lên khoảng 50% trong những năm 2030.