Đầu tư công năm 2025 đạt kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP

Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP).

Nội lực của nền kinh tế đang bứt phá

Cuối năm 2024, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Bởi, kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xu hướng phục hồi rõ nét hơn so với năm ngoái. Dù vậy, hầu hết các tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD và IMF đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 ở mức từ 6,1%-6,6%.

Báo cáo của GSO cho thấy, trong năm 2025, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA.

Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

 Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. (Ảnh: ST)

Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. (Ảnh: ST)

Dù vậy, GSO cho rằng, vẫn còn đó các khó khăn, thách thức kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2025.

Đơn cử, rủi ro, thách thức của kinh tế toàn cầu, quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Thể chế pháp lý đang được hoàn thiện nhưng còn chậm và nhiều chính sách còn chưa có sự ổn định, chồng chéo, dẫm chân nhau.

Bên cạnh đó, động lực truyền thống chưa được làm mới, các điểm nghẽn đầu tư đang được nhận diện và xử lý nhưng hiệu quả chưa cao.

Lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao

Ngoài ra, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước; thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng.

Đâu là động lực tăng trưởng “chủ lực” của kinh tế Việt Nam?

GSO cho rằng, trong năm 2025 các nhiều yếu tố có thể tác động tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng.

Thứ nhất, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực.

Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025, từ đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cùng với đó, kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hóa và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường.

Đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu.

Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm tiếp nhận, đối thoại về những vấn đề, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong đó có thị trường tín dụng, thị trường bất động sản.

Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo, thông điệp quan trọng về bảo đảm các cân đối lớn, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của đất nước. Công tác truyền thông chính sách được thực hiện thường xuyên, tích cực, hiệu quả, qua đó giúp củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ.

 Đầu tư công năm 2025 đạt kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP. (Ảnh: ST)

Đầu tư công năm 2025 đạt kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP. (Ảnh: ST)

Thứ ba, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

Thứ tư, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

Phát triển công nghiệp bán dẫn là mục tiêu chiến lược, không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như thương mại điện tử, chế biến chế tạo, logistics, mà còn là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Thứ năm, yận dụng các hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, thị trường Hala; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới

Thứ sáu, đầu tư công được tăng cường thực hiện mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt.

Chính phủ đã chỉ rõ kế hoạch Đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, trong đó, sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…

Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ.

Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Đồng thười, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và các hoạt động sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.

“Trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới, diễn biến và nội lực của kinh tế Việt Nam những năm qua, mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ đặt ra là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế, chính sách; đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư; khai thác tốt tiềm năng nội tại và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế”, GSO nêu.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tu-cong-nam-2025-dat-ky-luc-len-toi-791000-ty-dong-tuong-duong-64-gdp-post330965.html