Đầu tư công nghệ chế biến thanh long cần được đẩy mạnh
Hiện nay, nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An vẫn chưa thoát được cảnh 'được mùa, rớt giá'. Do đó, việc thu hút đầu tư vào chế biến và bảo quản thanh long là cần thiết và cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Giá thanh long giảm sâu
Những tháng cao điểm mùa khô, nhu cầu của thị trường xuất khẩu trái thanh long tăng cao trong khi sản lượng thanh long cho thu hoạch thấp hơn cùng kỳ mọi năm do ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Theo đó, giá thanh long ruột đỏ bán tại vườn luôn ở mức cao, từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Khi bắt đầu vào chính vụ, thanh long liên tục rớt giá. Hiện thanh long xuất khẩu loại 1 chỉ bán được từ 6.000-8.000 đồng/kg, còn lại có giá dưới 5.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn, Trung Quốc cũng đang thu hoạch rộ thanh long, do đó, việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vào thời điểm này bị hạn chế. Tại thị trường trong nước, những tháng thanh long rộ vụ thu hoạch cũng là mùa đa dạng các loại trái cây hè, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An hơn 7.800ha, trong đó có khoảng 96% thanh long ruột đỏ, tập trung nhiều tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An. Sản lượng hàng năm hơn 201.000 tấn.
Ông Võ Văn Bình (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Vào mùa mưa, thanh long xuất hiện nhiều loại bệnh như thối gốc, thối cành, đốm trắng,... gây tốn kém chi phí chăm sóc, phòng và trị bệnh. Ngoài ra, mùa mưa, vỏ trái cũng mỏng hơn nên tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu rất ít”.
Cần đẩy mạnh khâu chế biến
Thanh long ruột đỏ từng là trái cây đặc sản thuộc tốp đầu về thu nhập. Thời “hoàng kim” của cây trồng này, mùa khan hàng, thanh long sốt giá, có lúc lên đến gần 70.000 đồng/kg nên nông dân có lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng/ha/năm. Vài năm trở lại đây, giá thanh long dần “hạ nhiệt”, nhiều thời điểm vào chính vụ, giá thanh long giảm sâu, chỉ còn vài trăm đồng/kg.
Để loại trái cây chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, việc đầu tư vào chế biến và bảo quản là giải pháp cần được quan tâm và đẩy mạnh. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nhà máy chế biến, bảo quản ngay tại vùng trồng vẫn là bài toán khó.
Theo nhiều hợp tác xã sản xuất thanh long, đầu tư cơ sở chế biến thanh long cần vốn lớn, quá sức với hợp tác xã và nông dân. Bên cạnh đó, số lượng kho lạnh để bảo quản thanh long của các hợp tác xã chưa nhiều, hầu hết thanh long sau thu hoạch phải tiêu thụ ngay nên giá bán dễ bị thị trường chi phối.
Tình trạng thanh long “được mùa, rớt giá” đã và đang diễn ra nhiều năm qua. Vì vậy, người trồng thanh long rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc thu hút đầu tư chế biến và bảo quản nhằm giúp loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn trong thời gian tới./.
Long An - Nơi rồng xanh bay xa
Châu Thành là huyện đầu tiên của tỉnh Long An đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/5/2020.