Đầu tư công nghệ và vốn để phát triển nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) hiện được nuôi tại 21 tỉnh, tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Thời gian tới, cần đầu tư công nghệ và nguồn vốn dài hạn để phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Tăng trưởng gần 50%/năm

Cục Thủy sản cho biết, các loài cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm…) là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, nhất là trứng cá tầm muối (Caviar) được ưa chuộng trên thị trường thế giới; tại Việt Nam, từ năm 2004 - 2005, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá hồi vân và cá tầm đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại Sa Pa (Lào Cai). Năm 2006, cá tầm được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn:ITN

Ảnh minh họa. Nguồn:ITN

Hiện, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại nước ta, có 3 loài gồm cá tầm Nga, cá tầm Xibêri và cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất, tạo bước đột phá trong việc sản xuất cá tầm trong nước. Sản lượng cá tầm cũng tăng nhanh, năm 2007 chỉ đạt 95 tấn thì đến năm 2023 đã đạt hơn 4.668 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình 49,13%/năm; riêng 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng cá tầm ước đạt 1.966 tấn.

Bên cạnh đó, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến (caviar) củacả nước năm 2020 ước đạt 3.000kg. Vùng nuôi cá tầm lấy trứng và chế biến caviar tập trung chủ yếu tại Lâm Đồng. Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở vừa đầu tư nuôi thương phẩm, vừa phát triển một số giống cá tầm để chế biến dòng sản phẩm caviar. Từ năm 2015, một số cơ sở tại Lâm Đồng đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến trứng cá tầm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ 2017 đến nay, sản lượng trứng cá tầm do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất liên tục tăng. Năm 2017 sản lượng là 1.000kg; năm 2018 là 1.200kg; năm 2019 là 1.500kg; năm 2020 đạt khoảng 2.000kg. Công nghệ chế biến caviar đóng hộp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Lâm Đồng là một trong những địa phương phát triển cá nước lạnh nhanh và lớn nhất nước ta. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có khoảng 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là cá tầm, với tổng diện tích khoảng 54ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Sản lượng cá nước lạnh đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt 450 tỷ đồng. Từ khi phát triển cá nước lạnh đã góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế tại địa phương.

Muốn bền vững phải chủ động được con giống

Cá nước lạnh hiện được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Thủy sản, đến hết tháng 5.2024 mới chỉ có 9/31 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định (đạt 29%); có 32/845 cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm được cấp mã số nuôi các loài Phụ lục II CITES (đạt 0,37%). Điều này dẫn đến khó khăn trong kiểm soát chất lượng con giống.

Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu. Cá nước lạnh được nuôi bằng công nghệ nuôi cá truyền thống, lại ở khu vực nhiệt đới nên tỷ lệ hao hụt cao, năng suất nuôi thấp.

Việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh cũng chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả. Hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên. Đặc biệt, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm là mùa khô, không bảo đảm nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất. Ngoài ra, nuôi cá nước lạnh còn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai...

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng, thời gian tới cần đầu tư công nghệ và nguồn vốn dài hạn để phát triển cá nước lạnh. Đồng thời, có chính sách đồng bộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tìm hiểu chất lượng con giống và nguồn nước. Đặc biệt, muốn bảo đảm sự bền vững phải chủ động được con giống.

Theo Cục Thủy sản, cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Qua đó, góp phần tạo việc làm, phát triển hạ tầng kỹ thuật, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Để phát triển nuôi cá nước lạnh trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương tổ chức và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nước lạnh; cần tổ chức các lớp tập huấn về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho cá nước lạnh; chủ động chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm cho các cơ sở nuôi và sản xuất giống; khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác, tạo vị thế của cá nước lạnh Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dau-tu-cong-nghe-va-von-de-phat-trien-nuoi-ca-nuoc-lanh-i375790/