Đầu tư công nghệ xử lý chất thải để phát triển chăn nuôi bền vững

Ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi hiện nay đang là một trong những vấn đề gây bức xúc và khó giải quyết trong nông thôn. Nhiều trang trại, gia trại, HTX doanh nghiệp chăn nuôi đã đầu tư ứng dụng các công nghệ như: sử dụng đệm lót sinh thái, phun men vi sinh, hầm biogas; xây dựng các mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi chống quá tải hầm khí sinh học... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi hiện nay đang là một trong những vấn đề gây bức xúc và khó giải quyết trong nông thôn. Nhiều trang trại, gia trại, HTX doanh nghiệp chăn nuôi đã đầu tư ứng dụng các công nghệ như: sử dụng đệm lót sinh thái, phun men vi sinh, hầm biogas; xây dựng các mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi chống quá tải hầm khí sinh học; mô hình chuồng nuôi tiết kiệm nước, mô hình máy ép phân… góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn của anh Nguyễn Văn Trinh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Năm 2014, gia đình ông Hà Danh Thảo, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt lên hơn 1.500 con. Để xử lý chất thải, ông xây 2 hầm khí sinh học phủ bạt HDPE thể tích 10 nghìn m3. Tuy nhiên, với số lượng trên 1.500 con lợn, mỗi ngày có khoảng 700kg chất thải đổ thẳng vào hầm biogas nên hầm chứa nhanh chóng đầy, ngày càng quá tải, chất thải thừa ứ khiến nước thải rò rỉ ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường. Được sự định hướng và hỗ trợ của Sở NN và PTNT và Ban quản lý Dự án Các bon thấp tỉnh, cuối năm 2018, gia đình ông đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín gồm: máy ép phân, bể chứa nhiều ngăn phục vụ cho máy ép và máy phát điện sinh học. Ông Thảo cho biết, tất cả chất thải của lợn từ trong chuồng được chảy xuống bể lắng; máy tách phân sẽ hút chất thải để tách bã ép kiệt nước. Phân khô dạng mùn nhỏ mịn, tơi như mùn cưa và được sử dụng cho trồng trọt và nuôi thủy sản. Còn nước thải tích vào hầm biogas xử lý làm nước tưới cây rất tốt. Theo tính toán của ông Thảo, mỗi ngày hoạt động máy ép phân 1 lần cho thu hơn 200kg phân khô, với giá bán 80 nghìn đồng/tạ, mỗi tháng ông có thêm khoản thu khoảng 5 triệu đồng. Không chỉ vậy, nhờ công nghệ máy phát điện chạy bằng khí gas được lấy từ công trình khí sinh học, mỗi tháng ông còn tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng tiền điện. Sau 2 năm lắp đặt và vận hành, đến nay công nghệ này đã khẳng định được những hiệu quả thiết thực như môi trường chăn nuôi và môi trường sống được cải thiện rõ rệt, sạch sẽ, không còn mùi khó chịu. Đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Không những vậy, vừa có thêm thu nhập từ việc bán phân hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí tiền điện.

Chăn nuôi với quy mô hơn 2.000 con lợn, anh Nguyễn Văn Trinh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) lại áp dụng mô hình nuôi giun quế Ấn Độ để xử lý chất thải, hạn chế việc quá tải hầm biogas cho trang trại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh Trinh cho biết: “Giun quế Ấn Độ vốn được nuôi bằng phân trâu, bò song tôi nghĩ phân lợn có chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là đạm và khoáng nên tôi thử áp dụng và thấy hợp lý”. Theo anh Trinh, nuôi giun quế Ấn Độ bằng phân lợn tươi không đòi hỏi quá nhiều thời gian, kỹ thuật không cầu kỳ. Phân lợn chỉ cần xử lý bằng mật mía, sau đó sử dụng công nghệ vi sinh để phân hủy. Sau 2-3 ngày cho giun ăn trực tiếp. Với diện tích 200m2 bể nuôi, mỗi lần cho giun ăn hết 1 tấn phân lợn. Nuôi theo phương pháp này, giun sinh trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, chỉ 1,5 tháng là cho thu hoạch. Toàn bộ giun thương phẩm có độ đạm cao, được anh sử dụng làm thức ăn cho ngan, gà, vịt, lợn. Đặc biệt, lợn được ăn giun quế có sức đề kháng tốt, giảm bệnh tật, chất lượng thịt ngon và trọng lượng khi xuất chuồng cũng rất cao. Phân giun được xử lý làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. “Mô hình nuôi giun quế tận dụng phân lợn góp phần giảm lượng chất thải ra ngoài môi trường, cải thiện đất trồng trọt, tiết kiệm chi phí và thời gian dọn dẹp. So với nuôi bằng nguồn phân trâu, bò thì nuôi giun bằng phân lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do giảm được chi phí thức ăn và chất nền sử dụng. Không chỉ hạn chế phải xử lý chất thải, thu nhập từ mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn cũng giúp gia đình giảm được chi phí sản xuất trong tình hình chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn như hiện nay” - anh Trinh cho biết thêm. Trong thời gian tới, anh Trinh sẽ mở rộng mô hình và tìm hiểu, nghiên cứu cách chiết xuất dung dịch giun làm chế phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản.

Mỗi lứa, ông Vũ Đình Liên, xã Hải Đông (Hải Hậu) chăn nuôi khoảng 500 con lợn thịt. Ông xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas có tổng thể tích 500m3. Ông Liên cho biết, giai đoạn lợn nhỏ thì các hầm có thể chứa thoải mái chất thải, song khi lợn bước sang giai đoạn trưởng thành (trên 70kg/con) ăn nhiều hơn nên lượng phân thải ra hầm biogas quá tải, chỉ sau thời gian ngắn chất thải trong hầm ứ lên và tràn ra ngoài môi trường, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của dân cư sống gần khu vực. “Chúng tôi cũng trăn trở nhưng không có giải pháp”. Được Ban quản lý Dự án Các bon thấp tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, ông Liên đã xây bể lắng 4 ngăn trước hầm biogas kết hợp nhà ủ phân để xử lý chất thải chăn nuôi của trang trại. Bể lắng của ông được xây dựng với kích thước 2x20x1,5m; giữa các ngăn có gắn một cút chữ T nằm ngang theo kiểu zích zắc để lưu thông chất thải. Nguyên lý hoạt động của mô hình này là chất thải chăn nuôi gồm cả bã và nước được xả ra bể lắng 4 ngăn; khi bể lắng thứ 1 đầy ứ, thì chất thải chảy sang bể lắng thứ 2 và cứ thế chảy đến bể lắng thứ 4; khi cả 4 bể lắng đều đầy thì toàn bộ nước thải sẽ được xả xuống hầm biogas. Như vậy, bã phân sẽ đọng lại ở các bể lắng và chỉ có nước thải chảy xuống hầm biogas nên hạn chế tốc độ quá tải công trình khí sinh học. Nước trong hầm biogas sẽ được xả xuống một bể lắng khác có hệ thống lọc khử bằng sỏi, giúp nguồn nước thải ra ngoài môi trường không còn mùi hôi thối, nước trong và sử dụng tưới cây rất tốt. Toàn bộ bã phân lắng ở các ngăn bể được ủ hoai mục và bán cho các nhà vườn trồng rau, màu. “Áp dụng mô hình bể lắng 4 ngăn kết hợp nhà ủ phân giúp khu vực trang trại của gia đình tôi không còn bốc mùi ô nhiễm; giảm đến 10 lần thể tích chất thải xuống hầm biogas giúp hầm không bị quá tải. Nước thải cuối cùng khi ra môi trường đã qua các khâu xử lý không còn màu đen, không mùi, rất thân thiết với môi trường” - ông Liên khẳng định.

Trong thời gian qua, phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn do biến động giá trên thị trường (giảm mạnh từ tháng 10-2016 đến tháng 4-2018) và bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Chưa kể người nuôi quy mô lớn và địa phương sở tại cũng vất vả vì vấn đề xử lý chất thải và tác động môi trường. Song chăn nuôi vẫn được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do vậy việc đầu tư công nghệ, nhân rộng các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi nêu trên cần tiếp tục được quan tâm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững và bảo vệ tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5090/202011/dau-tu-cong-nghe-xu-ly-chat-thai-de-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-2541013/