Đầu tư đổi mới công nghệ: 'Chìa khóa' thúc đẩy năng suất ngành than

Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm. Đây cũng được coi là 'chìa khóa' để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, ngành than đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động khai thác, chế biến than. Đồng thời, ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu, nâng cao tiềm lực, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã và đang làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến; chủ động chế tạo, nội địa hóa nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất.

 Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác than

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác than

Điển hình, trong khai thác than lộ thiên, đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như: Máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3; hệ thống vận tải liên hợp ôtô - băng tải; sử dụng máy cày xới giảm khoan nổ mìn… Trong khai thác hầm lò, sử dụng vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò.

Trong sàng tuyển, chế biến than - khoáng sản, các nhà máy tuyển than có công suất gần 20 triệu tấn/năm được cải tạo và đầu tư công nghệ mới để sản xuất than cám chất lượng tốt dùng để xuất khẩu và sử dụng trong nước; phát triển các cụm dây chuyền công nghệ tuyển trong môi trường huyền phù tự sinh và huyền phù manhetit tạo ra sự tập trung hóa công tác sàng tuyển, nâng cao hiệu quả, thu hồi tối đa than…

Trong điều kiện khai thác than hầm lò ngày càng xuống sâu, các đơn vị trong tập đoàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015), đến nay, TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại nhiều đơn vị như Hà Lầm, Vàng Danh, Khe Chàm... Các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2 - 5 lần so với lò chợ bình thường. Bình quân mỗi năm, sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11 - 14% tổng sản lượng than hầm lò.

Việc đầu tư cho KH&CN cũng giúp TKV cải thiện hiệu quả vấn đề khí thải, nước thải, bụi… phát sinh trong quá trình sản xuất than, từng bước thực hiện mục tiêu “xanh hóa môi trường sản xuất”. Theo thống kê của TKV, từ năm 2016-2020, ngành than đã chi 4.800 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm bụi, tiếng ồn.

TKV đã hoàn thành các công trình trong Đề án bảo đảm môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2016 - 2020); lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động; đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất hơn 120 triệu m³/năm, bảo đảm toàn bộ nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn; đầu tư lắp đặt hệ thống máy phun sương dập bụi quạt cao áp thay thế dần phương pháp tưới nước bằng xe chuyên dụng truyền thống.

Trong định hướng đến năm 2025, TKV phấn đấu sẽ ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ và bán cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến; tiếp tục triển khai các hệ thống tự động hóa trong điều khiển, giám sát cung cấp điện, vận tải băng tải, thông gió, bơm nước và quan trắc môi trường; đưa vào vận hành hệ thống SCADA giám sát, điều khiển tập trung toàn mỏ/nhà máy tích hợp tại các đơn vị khai thác, lộ thiên, sàng tuyển, chế biến…

TKV phấn đấu đến năm 2025, sản lượng than khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ chiếm từ 20-25% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-doi-moi-cong-nghe-chia-khoa-thuc-day-nang-suat-nganh-than-161107.html