Đầu tư đồng bộ để nâng cao chất lượng giống thủy sản

Phú Yên hiện có 22 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Tuy nhiên, đa số có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng về cơ sở hạ tầng. Để con giống thủy sản sản xuất đạt chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học, cần đầu tư đồng bộ và tăng cường công tác quản lý.

Ương cá bớp giống tại Trạm Giống thủy sản, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Ảnh: ANH NGỌC

Ương cá bớp giống tại Trạm Giống thủy sản, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Ảnh: ANH NGỌC

Cơ s h tng chưa đt chun

Phú Yên có vùng đất ngập nước đa dạng về hệ sinh thái với khoảng 18.900ha vịnh biển, đầm phá và khoảng 2.000ha bãi triều, vùng cửa sông, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống thủy sản.

Năm 2023, do tình hình nuôi thương phẩm gặp khó khăn về thị trường, giá cả nên việc sản xuất và tiêu thụ giống thủy sản không ổn định, lượng giống sản xuất không nhiều nhưng tiêu thụ lại khó khăn, nhiều cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, trong đó cơ sở của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và Trạm Giống thủy sản của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh được đầu tư bài bản.

Các cơ sở còn lại đa số có quy mô nhỏ, phần lớn chưa được trang bị phòng thí nghiệm hoặc chỉ trang bị kính hiển vi thông thường và các bộ test đo môi trường, mới chỉ đáp ứng kiểm soát một số chỉ số môi trường cơ bản và kiểm soát ký sinh trùng gây bệnh…

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Hằng năm, chi cục đều tổ chức kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất ương dưỡng giống thủy sản. Một số lỗi vi phạm thường gặp của các cơ sở là chưa ghi chép nhật ký trong quá trình sản xuất, hồ sơ mua bán giống thủy sản bố mẹ chưa đầy đủ, chưa báo cáo trong quá trình sản xuất.

Khó khăn nhất là các cơ sở này có thời gian hoạt động lâu năm, quy mô nhỏ nhưng không có kế hoạch nâng cấp, cải tạo vì không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Các cơ sở sản xuất theo mùa vụ hoặc theo đơn hàng không ổn định nên rất khó trong quản lý, kiểm dịch một cách triệt để, nhiều trường hợp không khai báo kiểm dịch giống thủy sản khi xuất ra ngoài tỉnh.

Công tác quản lý các cơ sở kinh doanh tôm hùm giống cũng rất khó khăn do phương thức vận chuyển, mua bán đơn giản, không cố định thời gian, địa điểm nên khó cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.

Đng b nhiu gii pháp

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh lượng tôm post đã sản xuất được khoảng 1,16 tỉ con (tôm thẻ chân trắng 1 tỉ post, tôm sú 160 triệu post). Diện tích thả nuôi thủy sản khoảng 2.670ha, trong đó nuôi tôm khoảng 2.170ha (tôm thẻ chân trắng 1.910ha, tôm sú 260ha). Sản lượng thủy sản nuôi khoảng 17.520 tấn, trong đó sản lượng cá 1.920 tấn, sản lượng tôm 14.940 tấn (tôm thẻ chân trắng 12.600 tấn, tôm sú 340 tấn, tôm hùm khoảng 2.000 tấn), thủy sản khác hơn 660 tấn.

Ông Võ Minh Hải, Phụ trách Trạm Giống thủy sản (Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh) cho biết: Năm 2023, đơn vị đã ương thành công khoảng 50.000 con cá bớp giống, 12.000 con cá mú Trân Châu giống để cung cấp nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh.

Trạm Giống thủy sản tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình ươm mô rong sụn với khoảng 200.000 mô rong sụn giống và lưu giữ nguồn rong giống để phục vụ nuôi cấy mô cho các năm sau. Đơn vị cũng đã xây dựng xong đề án ương giống tôm hùm trong bể và đề án nuôi cấy mô rong sụn, phát triển các vùng nuôi rong sụn thương phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Lưu, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao của công ty ở TX Sông Cầu có diện tích 50ha, công suất khoảng 3,5 tỉ post larvae tôm thẻ chân trắng/năm.

“Khu sản xuất giống này được đầu tư khép kín, cơ sở hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại với hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng con giống, kiểm tra bệnh tôm và giám sát môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp thường xuyên gửi mẫu tới các viện lớn để kiểm tra đối chứng, đó chính là giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống”, bà Lưu nói.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thực hiện xét nghiệm và tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng giống thủy sản trong quá trình sản xuất, ương dưỡng; thực hiện kiểm dịch giống trước khi xuất bán ngoài tỉnh và từ ngoài tỉnh nhập về. Kiên quyết xử lý các trường hợp nhập giống thủy sản vào tỉnh không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm dịch.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản cần chấp hành nghiêm các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, lưu trữ đầy đủ hồ sơ sản xuất, chứng minh nguồn gốc giống, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch, lưu thông giống.

Theo Chi cục Thủy sản, Phú Yên từng quy hoạch tập trung 4 vùng sản xuất giống thủy sản với diện tích khoảng 61ha và 25 cơ sở, sản lượng trung bình 1 tỉ con giống/năm; đến năm 2025 đạt khoảng 6 tỉ con giống thủy sản các loại/năm. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh quy hoạch thì đến năm 2030, cả tỉnh chỉ còn Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc và Trạm Giống thủy sản của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh với diện tích khoảng 30ha.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313504/dau-tu-dong-bo-de-nang-cao-chat-luong-giong-thuy-san.html