Đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đầu tư nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Lý Bôn (Bảo Lâm) là xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao. Ngoài dự án đầu tư xây dựng, cải tạo đường nông thôn, mới đây, Dự án xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của xóm Phiêng Pẻn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm Hoàng Văn Thọ, là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh, Bảo Lâm có 100% xã, thị trấn thuộc khu vực III và nhiều xóm đặc biệt khó khăn nên được đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu nhất, tranh thủ thời tiết thuận lợi trong mùa khô, huyện đang nỗ lực chỉ đạo các xã, chủ đầu tư tích cực giải phóng mặt bằng, tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình chuyển tiếp từ năm 2022 sẽ hoàn thành trong năm nay và công trình khởi công năm 2023 hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

 Đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ghi nhận của phóng viên tại xã Thanh Long, huyện Hà Quảng cho thấy, hệ thống giao thông, kênh mương, thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư làm mới và đặc biệt là người dân, các tổ thợ được trực tiếp tham gia thực hiện các công trình góp phần nâng cao thu nhập của người dân; các dự án hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, bước đầu đã đạt được những chuyển biến tích cực; các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ có hiệu quả đã phần nào làm thay đổi tập quán sản xuất, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập đáng kể cho người nông dân. Đến hết năm 2023 trên địa bàn xã có 44 hộ thoát nghèo (cao hơn 03 hộ so với chỉ tiêu giao)...

Lãnh đạo huyện Hà Quảng chia sẻ, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hà Quảng dự kiến được giao trên 655,7 tỷ đồng để đầu tư thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Năm 2022, huyện được giao 93,145 tỷ đồng, giải ngân 19,8 tỷ đồng, đạt 21,26%. Năm 2023, huyện được giao 169,853 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 75,524 tỷ đồng đầu tư 79 công trình hạ tầng cơ sở; vốn sự nghiệp 94,329 tỷ đồng triển khai đầu tư 5 công trình bể nước sinh hoạt tập trung và phân tán cho 393 hộ dân được hưởng lợi…

Chương trình mục tiêu quốc gia có tác động giúp địa phương cải thiện về cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, các nhà văn hóa xóm được đầu tư xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trụ sở các xã, thị trấn, trường học,... được đầu tư xây mới, sửa chữa khang trang hơn bằng nguồn vốn của Chương trình; Các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của huyện từng bước được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Còn tại huyện Trùng Khánh, theo ông Nông Văn Bộ, Chủ tịch huyện Trùng Khánh cho biết, một trong những tác động được xem là tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại địa phương. Hiện nay 21/21 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 196/203 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm được cứng hóa, đạt tỷ lệ 96,55%. 100% tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 100%; trung học sơ sở đạt 95,3%. 100% người DTTS khu vực III, người nghèo có và đi khám bệnh bằng thẻ BHYT. 100% Trạm Y tế xã, thị trấn được xây dựng kiên cố.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm giảm khoảng 4% - 5%. Đời sống nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện nâng cao; bà con luôn đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Nông Quốc Khôi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Thực hiện Dự án 4 về đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, toàn tỉnh thực hiện giải ngân thanh quyết toán đối với 80 công trình chuyển tiếp hoàn thành, đồng thời tập trung hoàn thiện hồ sơ đầu tư theo quy định đối với các công trình khởi công mới (lập dự toán, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình...) là 740 công trình (494 công trình chuyển tiếp, 161 công trình khởi công mới, 85 công trình chuẩn bị đầu tư), trong đó, 34 công trình nước sinh hoạt, 543 công trình đường, 80 công trình mương thủy lợi, 10 công trình chợ xã, 10 công trình trạm y tế xã, 3 công trình trường học, 33 nhà văn hóa xóm, sân thể thao, 9 công trình điện sinh hoạt, 18 công trình giao thông kết nối trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn. Khi các công trình đầu tư hạ tầng hoàn thành tại các thôn đặc biệt khó khăn sẽ tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, từ đó nâng cao mức sống cho người dân.

Đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông đạt 95,16%; tỷ lệ xóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trên 75%; hơn 96% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng đều qua các năm. 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện chương trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tu-ha-tang-co-so-thiet-yeu-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post276298.html