Đầu tư hạ tầng dịch vụ ngày càng văn minh, hiện đại
Với định hướng phát triển kinh tế đồng đều, cân bằng để xây dựng thành phố thông minh, bền vững, thời gian qua Bình Dương đã ưu tiên đầu tư hạ tầng dịch vụ. Hiện tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, vận hành hiệu quả kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ (TM-DV) trọng điểm, từng bước chuẩn hóa nền tảng thương mại của tỉnh để gia nhập vào các hiệp hội thương mại quy mô lớn của quốc tế.
Xây dựng nền tảng
Việc phát triển hạ tầng dịch vụ logistics thời gian qua cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông phân phối hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 trung tâm logistics đủ khả năng cung cấp dịch vụ, phấn đấu đến năm 2025 một số trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên nền thương mại điện tử. Bình Dương đã quy hoạch 10 cảng sông và hiện đã có 4 cảng đi vào khai thác vận chuyển hàng hóa, du lịch gồm cảng tổng hợp Bình Dương, cảng Thạnh Phước, cảng Bà Lụa và cảng An Sơn.
Nhận rõ tầm quan trọng của dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh chú trọng tập trung phát triển hạ tầng giao thông với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”. Tỉnh đã đầu tư xây dựng Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, ĐT744, ĐT747, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng… Các công trình này được kỳ vọng sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo bứt phá để phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như nâng cao hiệu quả logistics trên địa bàn tỉnh.
Bước đột phá
Đến nay, toàn tỉnh đã có 100 chợ, 11 siêu thị, 7 trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, qua đó thúc đẩy nhanh tăng trưởng khu vực TM-DV. Nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn được xây dựng và đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh như Aeon Mall, Lotte Mart, Becamex, Big C, Co.op Mart, Metro... từng bước nâng cao chất lượng các hình thức kinh doanh, dịch vụ.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là một không gian phức hợp về công năng, đa dạng về các loại hình dịch vụ, đầy đủ các tiện ích, trải rộng trên khu đất 70.000m2, hứa hẹn sẽ là một điểm đến lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, văn hóa, cộng đồng. WTC BDNC là một quần thể bao gồm trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga Metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP.Hồ Chí Minh.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC BDNC, cho biết: “Trong tương lai gần, WTC BDNC là trung tâm kinh tế TM-DV đầy đủ tiện ích phục vụ cho tất cả cư dân sinh sống và làm việc tại thành phố thông minh Bình Dương. WTC BDNC tạo nền tảng kết nối thị trường trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, triển lãm khoa học, công nghệ và sản phẩm mang tầm khu vực và quốc tế”.
Để tiếp tục tạo bước đột phá làm sức bật phát triển ngành TM-DV trong xây dựng thành phố thông minh, tỉnh đã triển khai xây dựng Khu công nghiệp khoa học - công nghệ (KCN KHCN) có diện tích 900ha do Becamex IDC đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm của đề án thành phố thông minh. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Với dự án về KCN KHCN, Becamex IDC mong muốn sẽ mang tới địa phương những viện trường ở bậc cao. Xây dựng các bệnh viện theo chuẩn quốc tế để phục vụ cho người dân địa phương cũng như các chuyên gia, nhân lực trong và ngoài nước đến làm việc. Các dịch vụ, tiện ích xã hội đi kèm sẽ được đầu tư đồng bộ, hài hòa giữa KCN KHCN và các khu dân cư đã hiện hữu tại địa phương”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thông qua các đề án thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo, với mong muốn thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, thu hút nguồn nhân lực, nhằm xây dựng một cộng đồng Bình Dương thông minh và đáng sống. Thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác, thu hút các nhà đầu tư FDI vào phát triển hạ tầng TM-DV, tạo nền tảng để đột phá; góp phần phát triển kinh tế cân bằng theo hướng bền vững của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Đầu tư kết cấu hạ tầng
UBND tỉnh đã triển khai Chương trình số 20/CtrTU ngày 31-5-2021 của Tỉnh ủy về tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhằm phát triển hạ tầng dịch vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thời gian tới Bình Dương tiếp tục đa dạng cơ sở hạ tầng dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách, nghiên cứu phát triển đường thủy nội địa và đường sắt; từng bước hình thành các trung tâm tài chính hiện đại trên cơ sở thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng phục vụ; từng bước chuẩn hóa nền tảng thương mại của tỉnh để gia nhập vào các hiệp hội thương mại quy mô lớn của quốc tế.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Hoàng, Tạp chí Cộng sản, Bình Dương cần có chính sách phát triển hạ tầng vận tải, theo đó cần phát triển các phương thức vận tải phù hợp với tính chất đô thị tỉnh, tạo sự bứt phá của tỉnh trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Bình Dương cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể hạ tầng logistics theo hướng phát triển các loại hình dịch vụ logistics; phát triển hệ thống trung tâm logistics; phát triển các hành lang chính vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, chủ đầu tư Becamex Tokyu đã tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm Thương mại SORA Gardens SC. Dự án tiêu biểu này được phát triển trên diện tích hơn 120.000m2, đánh dấu một khởi đầu cho việc phát triển thương mại tại khu vực cửa ngõ thành phố mới Bình Dương. Thời gian tới, Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) sẽ triển khai dự án thương mại điện tử xuyên biên giới. Mục đích của dự án là xây dựng hệ sinh thái tích hợp chuỗi cung ứng, là điểm nhấn để thu hút đầu tư, phát triển. Dự án có quy mô 75ha, tại TP.Thủ Dầu Một, gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho hàng không nối dài, kho thương mại điện tử xuyên biên giới, Trung tâm Dữ liệu VNTT, showroom 3 tầng, văn phòng…