Đầu tư hạ tầng, thu hút dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp
Theo phương án phát triển cụm công nghiệp thì trên địa bàn Bình Thuận có tổng cộng 36 cụm, tập trung nhiều nhất ở các địa bàn: Đức Linh (7 cụm), Hàm Tân (5 cụm), Tánh Linh (4 cụm), La Gi (4 cụm), Bắc Bình (4 cụm), Hàm Thuận Bắc (4 cụm)… Trong nửa đầu năm 2021, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập thêm Cụm công nghiệp Nam Hà 3, đồng thời điều chỉnh quyết định thành lập Cụm công nghiệp Đông Hà và Nghị Đức. Như vậy đến nay, toàn tỉnh đã có 28/36 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó 16 cụm có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp.
Đầu tư hạ tầng
Qua theo dõi, Sở Công Thương cho biết hiện có 15 cụm công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng, từ đó từng bước tạo mặt bằng để bố trí dự án đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương. Tính chung đến nay, khoảng 2/3 số cụm công nghiệp theo phương án phát triển đã thu hút, bố trí hơn 170 dự án đầu tư, tham gia tạo công ăn việc làm cho khoảng 8.200 lao động… Tuy nhiên gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như thu hút dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Thế nên trong nửa đầu năm nay, việc thi công hạ tầng cụm công nghiệp chủ yếu tập trung vào chi lập hồ sơ, đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng, đầu tư một số hạng mục… với giá trị thực hiện đạt khoảng 70 tỷ đồng. Cùng thời gian địa phương chỉ thu hút 2 dự án là nhà máy sản xuất nước mắm vào Cụm công nghiệp Phú Hài (TP. Phan Thiết) và nhà máy sản xuất bê tông tại Cụm công nghiệp Nam Hà 2 (Đức Linh) với tổng vốn đầu tư 53 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy khi các cụm công nghiệp được nhà đầu tư quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thì sẽ tạo thuận lợi và sức cạnh tranh trong thu hút dự án thứ cấp. Và dù từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhưng địa phương vẫn ghi nhận nhiều trường hợp nhà đầu tư đến tìm hiểu, tiến tới đăng ký thực hiện dự án. Có thể kể đến dự án nhà máy sản xuất chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu (Đức Linh), nhà máy sản xuất ván ép tại Cụm công nghiệp Sùng Nhơn (Đức Linh). Hay như dự án sản xuất các loại bóp, túi xách, dây thắt lưng bằng vải da tại Cụm công nghiệp Nghị Đức (Tánh Linh), nhà máy sản xuất bao bì tại Cụm công nghiệp Lương Sơn (Bắc Bình)…
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, tới đây Sở Công Thương sẽ tập trung đôn đốc triển khai xây hạ tầng cho các cụm: Nam Hà, Nam Hà 2, Đông Hà (Đức Linh), Nghĩa Hòa (Hàm Tân), Tân Bình 1 (La Gi)… Tiếp đó cũng tăng cường công tác mời gọi đầu tư gồm cả xây dựng hạ tầng lẫn thu hút lấp đầy dự án thứ cấp, rà soát trường hợp đầu tư cụm công nghiệp còn chậm hoặc không có khả năng triển khai để báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư. Những tháng còn lại của năm nay, ngành cũng phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền các địa phương, đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030.
QUỐC TÍN