Đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đường ở TPHCM vẫn ngập
Dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cao mặt đường, thay cống mới có diện tích lớn để chống ngập nhưng nhiều tuyến đường ở TPHCM vẫn ngập nặng sau mưa khiến người dân hết sức khổ sở.
Khốn khổ vì ngập lụt
Chiều 2/6, cơn mưa lớn đổ xuống TPHCM khiến hàng loạt tuyến đường, khu dân cư như đường Quốc Hương (TP Thủ Đức), Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)… bị ngập nặng.
Trong các khu vực bị ngập có những tuyến đường mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp chống ngập, trong đó có đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) được đầu tư gần 500 tỷ đồng và đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) được đầu tư hơn 163 tỷ đồng. Cả hai tuyến đường này đã được nâng cao mặt đường từ 50cm đến hơn 1m so với trước, thay hệ thống cống hộp có diện tích lớn.
Tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, nước ngập sâu đoạn từ trước tòa nhà The Manor đến chân cầu Thủ Thiêm 1, thuộc phường 22, quận Bình Thạnh. Nước ngập từ mặt đường tràn lên vỉa hè gây không ít khó khăn cho người tham gia giao thông cũng như sinh hoạt, kinh doanh của người dân bên đường. Do mặt đường sau khi được nâng cấp cao hơn khu dân cư hiện hữu nên nước mưa khó chảy ra cống thoát nước khiến các con hẻm trong khu dân cư cũng bị ngập nặng.
Theo người dân, sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp, các con hẻm thấp hơn mặt đường từ 80cm đến hơn 1,2m. Đường nâng cao hơn, cống thoát nước cũng được nâng theo khiến nhiều con hẻm bị ngập nặng sau mưa, có nơi ngập cả bánh xe máy. Vừa tăng ga vừa đạp phanh để nước không vào ống pô, anh Lê Văn Đạt (xe ôm công nghệ) chạy từ từ ra khỏi con hẻm ngập tới đầu gối. Trong khi đó, vị khách nữ ngồi phía sau một tay xách đôi giày, một tay túm gấu quần kéo ngược vì sợ nước ngập làm ướt.
“Cuốc xe có mấy chục nghìn mà lỡ nước vào làm chết máy có khi tốn vài trăm nghìn, nhưng lỡ nhận cuốc rồi phải chạy vào đón khách thôi. Trước đây có máy bơm, mưa lớn như hôm nay (ngày 2/6) thì mấy con hẻm này không ngập. Sau khi đường nâng cao, khu nhà dân trở thành nơi chứa nước, các con hẻm biến thành suối khi trời mưa lớn”, anh Đạt nói.
Bà Kim Oanh (50 tuổi) cho biết, từ khi TPHCM đưa siêu máy bơm về chống ngập thì cả mặt đường và khu dân cư xung quanh thoát cảnh ngập khi mưa lớn và triều cường. Sau khi đường được nâng cấp, máy bơm dừng hoạt động, vừa trải qua cơn mưa lớn, cả con hẻm đã bị ngập sâu.
“Mưa mới hơn một tiếng mà đã ngập đến đầu gối rồi, nếu mưa lâu hơn và triều cường lên nữa thì tôi không biết sẽ ngập đến mức nào”, bà Oanh nói.
Liên quan tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Quá vẫn bị ngập dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chống ngập, phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM (đơn vị phụ trách công tác chống ngập) để tìm hiểu nguyên nhân nhưng ông Điệp vẫn chưa có câu trả lời.
Cùng cảnh ngộ, người dân sinh sống bên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cũng ngao ngán vì hễ mưa to là đường ngập mặc dù tuyến đường này đã được đầu tư hơn 163 tỷ đồng để chống ngập.
Chị Bùi Thị Ngọc Hải (chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Quá) cho biết, tuyến đường qua nhà chị bị ngập triền miên nhiều năm nay. Sau khi cơ quan chức năng đầu tư nâng cao mặt đường, thay cống hộp lớn tưởng sẽ hết ngập nhưng vẫn không cải thiện được.
“Mưa lớn tầm 30 phút thì đường sẽ ngập, nước tràn lên vỉa hè. Khi có ô tô chạy qua tạo thành sóng tràn cả vào nhà. Ở đây mấy năm nay buôn bán ngày được ngày không vì cứ mưa lớn là ngập”, chị Hải nói.
Cần bỏ tư duy “nước lên - đường lên”
Liên quan các tuyến đường đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chống ngập nhưng vẫn ngập, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp cận công nghệ chống ngập mới thay vì tư duy “nước lên - đường lên” như trước đây. Nguyên nhân là TPHCM đang lún với tốc độ nhanh kèm theo mực nước biển dâng cao khiến nước từ các khu dân cư, đường giao thông không thể tự thoát ra sông, kênh rạch dù cống to.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển, thuộc Liên hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, hiện nay nhiều dự án chống ngập vẫn thực hiện theo tư duy “nước lên - đường lên”. Có nghĩa là đường ngập thì nâng đường, nhưng nâng đường lên cao khiến nhà dân hai bên biến thành hầm chứa nước.
“Như vậy chống ngập cho đường nhưng các con hẻm, nhà dân bên đường lại thấp hơn, buộc người dân phải nâng nền nhà cao hơn đường. Nếu cứ nâng như vậy thì bao giờ mới hết ngập?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Ngọc Thiệp, giảng viên bộ môn Cấp thoát nước - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho hay, thành phố đang có tốc độ lún rất nhanh (khoảng 2,5cm/năm), kèm theo tình trạng nước biển dâng, mực nước ngoài sông cao hơn mặt đường khi triều cường khiến việc thoát nước tự nhiên là bất khả thi. Do đó, việc nâng đường, thay cống to nhưng không đảm bảo được độ dốc thì nước cũng không thể tự thoát được.
“Có hai nguyên nhân gây ngập là mưa và triều cường. Nếu cả hai cùng xảy ra một lúc thì các tuyến đường có hệ thống cống cũ hay không đủ độ dốc sẽ không thể thoát nước. Do đó nâng đường, thay cống cũng khó giải quyết được ngập mà cần phải bơm để đẩy nước ra sông, không còn cách nào khác. Trong tương lai, việc chống ngập ở TPHCM sẽ phụ thuộc máy bơm”, ông Thiệp nhận định.
Theo ông Thiệp, ở các quốc gia khác, việc chống ngập được tính toán theo từng lưu vực, không theo tuyến đường. Việc nâng đường, thay cống là giải pháp của ngành giao thông để giải quyết chống ngập cho đường mà chưa tính đến khu dân cư trong lưu vực của tuyến đường đó.
“Vì vậy, cơ quan chức năng nên thay đổi phương pháp, áp dụng các công nghệ mới, học hỏi công tác chống ngập của các quốc gia có cốt nền thấp hơn mực nước “, ông Thiệp nói.
GS.TS Lê Huy Bá (chuyên gia giao thông đô thị) cho rằng, đường Nguyễn Văn Quá, dù đã được nâng cao độ, thay cống hộp với đường kính lớn nhưng vẫn bị ngập là do độ dốc của cống không đủ để nước thoát ra kênh.
“Theo nguyên tắc nước chỗ cao chảy xuống chỗ thấp, nếu cống không đủ độ dốc thì nước không thể thoát ra sông. Chưa kể khi triều cường kèm trời mưa thì không có cách nào để thoát nước mà cống chỉ để trữ nước", ông Bá nói.
Theo ông, để chống ngập trong giai đoạn này, cần áp dụng các biện pháp tình thế như sử dụng máy bơm để "cưỡng bức" nước từ hệ thống cống ra sông.
"Để quy hoạch và thực hiện các dự án lớn có khi mất hàng chục năm nữa và phụ thuộc vào nguồn vốn của thành phố. Giai đoạn này tôi nghĩ việc áp dụng bơm "cưỡng bức" là một giải pháp có thể áp dụng được cho các khu vực này", ông Bá nhận định.