Đầu tư hệ… 'tâm linh'

A.I

(XUÂN KTSG) – Các thuật ngữ như “phong thủy”, “ngũ hành” hay “bát quái”… không còn xa lạ với cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán…

Mê tín trong đầu tư

Một trào lưu mới, được gọi là đầu tư chứng khoán hệ tâm linh, đã xuất hiện, trong đó đặc điểm chung là xem việc đầu tư chứng khoán như một trò chơi may rủi, với kết quả thắng hay thua phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố may mắn. Đáng chú ý trong trào lưu này, là sự ảnh hưởng của các “chuyên gia” phong thủy, xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội và cả trên phương tiện truyền thông chính thống. Họ đưa ra nhận định và tư vấn về mua bán cổ phiếu, chọn lựa thời điểm và giá cả.

Theo một nghiên cứu mới được công bố năm 2023 trên Tạp chí khoa học Journal of Comparative Economics của TS. Phạm Văn Đại, trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, không chỉ cá nhân mà thậm chí các công ty cũng chịu ảnh hưởng từ mê tín khi đưa ra quyết định đầu tư. Nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp có giám đốc ở độ tuổi 49-53 có xu hướng giảm đầu tư dựa trên niềm tin dân gian về sự thiếu may mắn và rủi ro trong khoảng thời gian này. Đáng chú ý hơn, mức độ ảnh hưởng của mê tín càng lớn khi trình độ giáo dục của lãnh đạo doanh nghiệp tăng lên.

Trên thế giới, hiện tượng mê tín trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh không phải là hiếm. Ví dụ, doanh nghiệp có lãnh đạo theo quan niệm Trung Quốc thường thực hiện các hoạt động đầu tư rủi ro cao như mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hoặc nghiên cứu và phát triển (R&D). Hoặc phổ biến hơn, việc mua bán bất động sản có tâm lý tránh xa các căn nhà liên quan đến niềm tin về sự thiếu may mắn. Thậm chí, việc tránh biển số xe kết thúc bằng các con số 49 hoặc 53 đã trở thành một đề tài thảo luận trên diễn đàn Quốc hội ở Việt Nam.

Những điều trên cho thấy một thực tế là mặc dù xã hội ngày nay ngày càng văn minh và hiện đại, hiện tượng mê tín và niềm tin vào những điều không có cơ sở khoa học vẫn còn đang bám rễ, tồn tại và ảnh hưởng đến các hành vi kinh tế – xã hội khác nhau.

Một chút tâm linh

Theo một số nghiên cứu tâm lý học về hành vi con người, niềm tin tâm linh trong một số trường hợp có thể cung cấp sự an ổn cho tâm lý cá nhân trong môi trường không chắc chắn, tạo ra cảm giác an toàn và tăng tính tự chủ và khả năng kiểm soát cảm xúc. Với lý do đó, mê tín ở một mức độ nào đó cũng có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư, các hành vi mê tín thường không mang lại sự may mắn như mong muốn. Nghiên cứu của Bhattacharya và cộng sự năm 2018 cho thấy các nhà đầu tư cá nhân trên sàn giao dịch hàng hóa phái sinh Đài Loan có tỷ lệ đặt lệnh giới hạn với giá kết thúc bằng số 8 là 9,9% – cao hơn đáng kể so với tỷ lệ đặt lệnh tại giá kết thúc bằng số 4 là 6,3%. Điều không may là dữ liệu cho thấy những nhà đầu tư mê tín (người đặt lệnh số 8) có lợi suất đầu tư thấp hơn do thời điểm mua không tốt và chậm cập nhật các lệnh giới hạn.

Tất nhiên, trong một thị trường, sự thiếu may mắn của một người có thể chính là cơ hội cho người khác. Những nhà đầu tư mê tín, mua bán theo cảm tính, may rủi thường là nguồn mang lại lợi nhuận cho các công ty môi giới, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp có khả năng phân tích và quản lý rủi ro hiệu quả. Điều này giải thích tại sao các trào lưu đầu tư theo tâm linh lại được cổ xúy đến vậy.

Dù vậy, cũng phải nhìn nhận rõ ràng là các trào lưu này không đóng góp tích cực vào việc xây dựng một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, thực hiện tốt chức năng dẫn vốn của nền kinh tế. Thay vào đó, nó ngày càng mang xu hướng một sân chơi đỏ đen nơi người chơi cầu mong lợi nhuận bằng sự may mắn.

Nghiên cứu về “Ảnh hưởng của mê tín đến hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam” do TS. Phạm Văn Đại – giảng viên, nghiên cứu viên cao cấp thuộc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện, xuất bản trên tạp chí khoa học Journal of Comparative Economics tháng 11-2023. Đây là tạp chí có uy tín học thuật cao trong lĩnh vực kinh tế học thể chế và các nền kinh tế chuyển đổi.

Tác giả tổng kết các lý thuyết về ảnh hưởng mang tính phổ quát của văn hóa, tôn giáo, phong tục… lên hoạt động kinh tế ở các xã hội khác nhau. Số liệu chỉ ra Việt Nam là một trong ba quốc gia có tỷ lệ người vô thần cao nhất nhưng lại đồng thời chịu tác động rất mạnh của các tín ngưỡng dân gian, bản địa.

Để xác định quan hệ nhân quả giữa mê tín và hành vi đầu tư, nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy gián đoạn (RDD) và thiết kế sai biệt hai bước (2-stage difference) và các kỹ thuật phân tích kinh tế lượng với tập quan sát là các doanh nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Nghiên cứu đã đưa ra một số kết luận quan trọng, bao gồm:

Doanh nghiệp có giám đốc trong độ tuổi 49-53 có xu hướng giảm đầu tư vào tài sản cố định. Việc giảm đầu tư này không đi đôi với giảm lao động, do đó loại bỏ nguyên nhân do ảnh hưởng của thị trường, môi trường kinh doanh.

Ảnh hưởng của quan niệm dân gian về “tuổi hạn” 49-53 không tìm thấy ở các doanh nghiệp có giám đốc là người nước ngoài, do đó loại bỏ nghi ngờ nguyên nhân do các vấn đề sức khỏe/sinh học ở độ tuổi này.

Ảnh hưởng của quan niệm dân gian về “tuổi hạn” 49-53 nhỏ hơn ở nhóm doanh nghiệp có cấu trúc quản trị tốt như các công ty quy mô lớn, công ty niêm yết.
Trái ngược với suy nghĩ phổ biến, mức độ ảnh hưởng của mê tín được tìm thấy mạnh hơn ở nhóm giám đốc có trình độ giáo dục cao.

Anh Dân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dau-tu-he-tam-linh/