Đầu tư hiệu quả cho tương lai
Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới xác định rõ mục tiêu: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này.
Cán bộ dân số xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập chia sẻ cho các thành viên trong CLB Gia đình hạnh phúc khu Thống Nhất về cách chăm sóc sức khỏe KHHGĐ.
Hiệu quả các mô hình, đề án...
Có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác ở nhiều xã vùng cao, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, nhận thức không đồng đều… là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số ở huyện miền núi Yên Lập. Chị Đặng Thị Huyền - Cán bộ dân số xã Đồng Thịnh cho biết: Xã có 13 khu dân cư với hơn 7.200 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 70%; trong đó có 1.800 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Để nâng cao chất lượng dân số, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền khu dân cư, đoàn thể, xây dựng, thành lập và vận động nhân dân tham gia nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) phù hợp với các đối tượng như CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Mẹ và con gái, CLB Phòng chống bạo lực gia đình, CLB Các bạn gái tiêu biểu trong trường học, CLB Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,... từ đó, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua các CLB, chúng tôi tổ chức các hội nghị truyền thông theo nhóm để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ, từ đó hạn chế được các tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn; tỉ lệ phụ nữ mang thai khám, siêu âm từ ba lần trở lên đạt 100%; trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh đạt 70%.
Chị Vân Khánh ở khu Thống Nhất chia sẻ: Nhờ tham gia CLB Gia đình hạnh phúc, chúng tôi được truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe KHHGĐ, tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sau sinh nên cơ bản đã được trang bị kiến thức, chủ động phòng tránh mắc bệnh lây qua đường tình dục, tỉ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh, tỉ lệ mất cân bằng giới tính cũng giảm đáng kể...
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho 3.000 vị thành niên, thanh niên làm việc tại các công ty, doanh nghiệp; phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức năm hội nghị tuyên truyền về công tác dân số và phát triển, chăm sóc SKSS, tình dục an toàn, phòng tránh HIV/AIDS cho 1.530 công nhân lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án 818 xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; tổ chức các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu, nói chuyện chuyên đề; truyền thông trực tiếp tới các đối tượng tại cơ sở...
Với vợ chồng chị Hà Thị Điển ở khu 4, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, “của để dành” của anh chị chính là hai cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu của chị năm nay chuẩn bị thi đại học, cháu thứ hai đang học lớp 10 với bề dày thành tích học tập. Gia đình chị Điển hàng năm được biểu dương có con học giỏi trong gia đình sinh con một bề là gái, các con của chị cũng đều tham gia CLB Các bạn gái tiêu biểu tại trường học. Chị Điển tâm sự: “Trong câu chuyện vui, có người khuyên tôi sinh thêm một cậu con trai cho có “nếp” có “tẻ” nhưng nghĩ con nào cũng là con, miễn sao chúng biết vâng lời, học hành tiến bộ là vợ chồng tôi thấy mãn nguyện lắm rồi nên tôi yên tâm dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Nông đang duy trì 20 CLB các bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên tại 12 xã, thị trấn với 635 thành viên tham gia; duy trì góc thân thiện tại Trường THPT Tam Nông, tổ chức 15 hội nghị với 750 thành viên; 20 CLB chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với 1.365 thành viên tại 12 xã, thị trấn; truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển 50 hội nghị với 1.350 người tham gia...
Trung tâm Dân số -KHHGĐ thành phố Việt Trì hướng dẫn tải App phát động tuần lễ chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ Việt Nam tại Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.
Truyền thông nâng cao chất lượng dân số
Thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án lớn và công tác truyền thông giáo dục được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dân số. Các hoạt động truyền thông tập trung tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số... Để thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành, thị đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến người dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Bàng Ngọc Thạch - Giám đốc Trung dân Dân số- KHHGĐ huyện Yên Lập cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền ngày tan máu bẩm sinh thế giới (8/5/2022) với Chủ đề “Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì tương lai giống nòi”; treo 40 băng zôn trên trục đường giao thông tại trung tâm huyện và các xã thị trấn; tuyên truyền nhóm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 22 buổi; lồng ghép với các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới; sinh hoạt ngoại khóa nội dung bình đẳng giới tại bốn trường THCS: Xuân Viên, Mỹ Lương, Mỹ Lung, Đồng Thịnh. Bên cạnh đó, tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình tại 17/17 xã, thị trấn với trên 1.600 lượt người tham gia, nhận dịch vụ khám, điều trị các bệnh về đường sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.Treo 34 băng zôn, phát 7.000 tờ rơi trong chiến dịch... Ước tính mức giảm tỉ suất sinh 0,2%o. Huyện Yên Lập cũng đang tiếp tục duy trì hoạt động 186 góc truyền thông tại nhà văn hóa khu dân cư; 24 câu lạc bộ ‘‘Gia đình hạnh phúc“” ở khu dân cư và 17 câu lạc bộ ‘‘Bạn gái tiêu biểu” trong trường THCS; tổ chức 12 buổi sinh hoạt ngoại khóa cho trên 3.000 lượt học sinh tham gia.
Ông Nguyễn Việt Phương- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22/12/2017 của Tỉnh ủy Phú Thọ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch số 2516/KH-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Thọ thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu công tác dân số của tỉnh, trong đó chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; đưa tỉ số giới tính khi sinh về gần mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Linh Nguyễn
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/dau-tu-hieu-qua-cho-tuong-lai/185379.htm