Đầu tư hỗ trợ ở vùng đồng bào thiểu số Lạc Dương
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, huyện Lạc Dương với những giải pháp chủ động, linh hoạt gắn phát triển kinh tế - xã hội với đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2021, đã tạo ra chuyển biến mới để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2022.
• KHÔNG ĐỂ ĐỨT GÃY CÁC CHUỖI SẢN XUẤT CUNG ỨNG NÔNG SẢN
Theo UBND huyện Lạc Dương, trong năm 2021, với “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, huyện Lạc Dương đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân, doanh nghiệp xây dựng và triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; trong đó, chú trọng chuyển đổi các diện tích trồng hoa sang trồng rau, củ, quả ngắn ngày để cung ứng, hỗ trợ cho các tỉnh, thành trong vùng dịch. Ước tổng diện tích gieo trồng cả năm 2021 của huyện Lạc Dương được 15.632 ha, đạt gần 102% kế hoạch và tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, cây hàng năm 8.854 ha, cây dài ngày 6.776 ha, tăng lần lượt 8,9% và 13,2% so cùng kỳ. Tổng đàn gia súc, gia cầm 10.790 con, đạt gần 97% kế hoạch và tăng 1,5% so cùng kỳ. Các mô hình liên kết được đầu tư phát triển như: sản xuất chuối Laba tại xã Đưng K’Nớ bước đầu thu hoạch khoảng 10 ha; sản xuất rau với Hợp tác xã An Phú khoảng 10 ha; tổ hợp tác liên kết sản xuất 300 ha hoa hồng; xếp hạng và đưa 19 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử…
Kết quả sản xuất từ các vùng nông nghiệp huyện Lạc Dương đã cung cấp đến Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 505 tấn rau, củ, quả phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID- 19. Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương còn phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài địa phương hỗ trợ thêm khoảng 83 tấn rau, củ, quả cho các tỉnh, thành nằm trong vùng dịch COVID-19 như: Thành phố Hồ Chí Minh; Long An; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương…
“Đến nay, hoạt động các chuỗi sản xuất, cung ứng và lưu thông hàng hóa nông sản trên địa bàn huyện Lạc Dương cơ bản được đảm bảo, không để bị đứt gãy. Quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa, kinh doanh buôn bán tại chợ, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hóa, điểm mua bán tự phát được quản lý và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tổ chức tiêm vắc xin ưu tiên cho lái xe vận chuyển hàng hóa, các nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu...”, UBND huyện Lạc Dương cho biết thêm.
• XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022-2025
Là huyện chiếm hơn 67,5% đồng bào thiểu số, Lạc Dương đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ trên địa bàn. Đáng kể trong năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạc Dương đã cho vay gần 46 tỷ đồng/613 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, chăn nuôi, thoát nghèo bền vững; tiếp tục giải ngân gần 15 tỷ đồng bố trí cho 15 hộ dự án ổn định dân cư thôn K’Nớ 5, xã Đưng K’Nớ.
Đặc biệt, UBND huyện đã trình Hội đồng Nhân dân huyện Lạc Dương phân bổ từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2020, cùng với nguồn xã hội hóa và vốn đối ứng của Nhân dân đã thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng/83 hộ thụ hưởng thuộc chương trình đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cụ thể, 83 hộ này đã được hỗ trợ 50 con bò cái vàng sinh sản; 7 con heo đen địa phương; 3 máy cắt cỏ; vật tư phân bón thâm canh cà phê, vật liệu xây dựng chuồng trại chăn nuôi…
Hoặc với hơn 1,5 tỷ đồng nguồn vốn dự án phát triển nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã phân bổ kịp thời cho công tác tiêm vắc xin, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng 8 mô hình trồng cây atiso thu bông, 3 mô hình trồng dâu tây ngoài trời… Ngoài ra, trong năm 2021, huyện Lạc Dương mở các lớp đào tạo nghề cho gần 360 lao động, giải quyết việc làm mới cho 595 lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng mới 24 căn nhà cho các hộ nghèo ở các xã Đạ Sar, xã Lát, thị trấn Lạc Dương…
Cũng trong năm 2021, huyện Lạc Dương tập trung nguồn lực hỗ trợ xã Đưng K’Nớ hoàn thành hồ sơ 19/19 tiêu chí và trình thẩm định, xem xét quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để duy trì, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời chuẩn bị kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới năm 2022.
Được biết, UBND huyện Lạc Dương hiện đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các nội dung, đề án, dự án theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để đề xuất xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn…