Đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây mới 9 cây cầu tại các tỉnh thành phía Nam
Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa phía Nam xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ngân sách ưu tiên đầu tư 2.155,9 tỷ đồng. Các công trình dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025...
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 1758/QĐ - BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long.
Cụ thể, Dự án sẽ tiến hành xây dựng mới 9 cầu gồm: Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày; Ô Môn, Thới Lai qua rạch Ô Môn; Đông Thuận, Đông Bình qua kênh Thị Đội – Ô Môn; Vàm Xáng - Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc; Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây.
Dự án có mục tiêu nâng cấp các cầu chưa đảm bảo về tĩnh không thông thuyền trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực phía Nam trên các hành lang vận tải quan trọng để đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến, phù hợp với hiện trạng khai thác tuyến luồng, nhu cầu phát triển phương tiện vận tải thủy, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tới Tp HCM, tới các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại. Dự án cũng đồng thời tiến hành cải tạo nâng tĩnh không 1 cầu Giồng Găng qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; tháo dỡ, thanh thải cầu Măng Thít cũ trên Quốc lộ 53 qua sông Măng Thít.
Quyết định của Bộ GTVT cũng nêu rõ: các cầu qua kênh cấp III đường thủy nội địa khổ thông thuyền là 30m x 6m; cầu qua kênh cấp IV đường thủy nội địa có khổ thông thuyền 24mx6m; riêng câu Sa Đéc (Nàng Hai) trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc có khổ thông thuyền ≥30m x 7m để đồng bộ với các cầu xây mới trên tuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.160 tỷ đồng được đầu tư từ Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2022 đến năm 2025, trong đó giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến bố trí khoảng 1.944 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban Quản lý các dự án đường thủy có trách nhiệm căn cứ kết quả khảo sát chi tiết, chỉ đạo tư vấn chuẩn xác các số liệu tính toán và lựa chọn giải pháp thiết kế tối ưu: tính toán thủy văn, khả năng thoát lũ; xác định cụ thể phạm vi đường gom, đường công vụ; giải pháp xử lý nền đường; chiều dày các lớp kết cấu áo đường; giải pháp móng: mố trụ cầu, tường chắn, trụ chống va; giải pháp kết cấu, sơ đồ nhịp..., mục tiêu là đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, ổn định và bền vững công trình. Đồng thời, chỉ đạo tư vấn và các bên liên quan lập phương án tháo dỡ, tận dụng, thu hồi vật tư, tài sản các cầu cũ, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm chi phí xây dựng, tránh thất thoát, lãng phí; cùng các bên liên quan lập phương án quản lý, bàn giao tài sản thu hồi theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định. Quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ và chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, không để thất thoát, lãng phí.