Đầu tư kết cấu hạ tầng mở 'đường băng' cho Tánh Linh phát triển
Tách ra từ huyện Đức Linh và được thành lập vào đầu tháng 5/1983, Tánh Linh - huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của Bình Thuận đã có bước 'chuyển mình' nhờ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn…
Hạ tầng đi trước một bước
Sau 40 năm tái lập huyện (1983 - 2023), đến nay hệ thống giao thông trên toàn địa bàn Tánh Linh, nhất là các tuyến trục chính như ĐT 720, ĐT 717, QL 55 và những tuyến đường trung tâm xã, liên xã về cơ bản đã được đầu tư nâng cấp. Xác định giao thông phải tiên phong đi trước nên hàng năm địa phương đều có kế hoạch tu sửa, nâng cấp, mở rộng cũng như đầu tư mới nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc trung chuyển, giao lưu hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, cải thiện môi trường đầu tư… Trong đó tổng chiều dài đường đô thị hiện có khoảng 10,54 km, đường huyện quản lý gần 64 km, đường xã quản lý 532,62 km và đường giao thông nông thôn khác là hơn 366 km.
Thời gian qua, việc đầu tư kênh mương nội đồng tại Tánh Linh cũng được quan tâm triển khai xây dựng và đến nay đạt khoảng 22,44 km/85,6 km, ngoài ra còn xúc tiến nạo vét chống ngập trên địa bàn huyện. Như nạo vét Suối Ba Thê, nâng cấp cải tạo đập Sông Cát, gia cố chống sạt lở cầu Suối Chùa và hệ thống trạm bơm, kênh chính… để đảm bảo nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống lưới điện cũng đã phủ kín địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân lẫn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong khi đó, 5 nhà máy nước với tổng chiều dài đường ống cấp nước hơn 114.500 m do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận quản lý đang hoạt động cơ bản đáp ứng nhu cầu cho hầu hết khu đô thị, khu dân cư tập trung. Ngoài ra địa phương cũng kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy nước Tà Pao -N.I.D (xã Đức Bình), Nhà máy nước Gia An (xã Gia An) hướng đến phát triển, mở rộng phục vụ nhu cầu cung cấp nước sạch trên toàn huyện Tánh Linh… Tại địa phương còn có Nhà máy xử lý rác thải Thanh Long đã đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo nước thải của nhà máy được xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Được biết trong năm 2023, địa phương sẽ lập phương án xã hội hóa và trình HĐND huyện để triển khai thực hiện thu gom rác thải đạt 100% trên toàn huyện. Ngoài ra phấn đấu đến năm 2025 triển khai thu gom, xử lý rác cho tất cả 13/13 xã - thị trấn và thu gom, xử lý toàn bộ rác tại các bãi tạm ở một số địa bàn chưa được thu gom để đảm bảo vệ sinh môi trường…
Có “đường băng”, sẽ cất cánh
Việc Tánh Linh rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện (1/5/1983 - 1/5/2023) nên phố phường, làng xã như khoác lên “áo mới” khang trang, sạch đẹp hơn… Trong câu chuyện về địa bàn miền núi nằm ở phía Tây Nam của Bình Thuận, bên cạnh nỗ lực vượt khó vươn lên của địa phương cũng cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với huyện nhà. Như gần đây có chuyến thăm, làm việc tại Tánh Linh của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng (vào cuối năm ngoái), tiếp đó là chuyến thăm và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An (sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).
Báo cáo với lãnh đạo tỉnh về những kết quả mà Tánh Linh đạt được, cụ thể thực hiện nhiệm vụ năm 2022 vừa qua là rất đáng ghi nhận: Hoàn thành 9/9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt 188% dự toán giao (132/70 tỷ đồng)... Dù vậy ở chặng đường phía trước, địa phương sẽ phải nỗ lực hơn và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng các cụm công nghiệp mới (ở Gia Huynh, Suối Kiết hoặc những nơi khác có điều kiện), hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái... Riêng hạ tầng giao thông tập trung phát triển trên địa bàn toàn huyện, phấn đấu xây dựng mới 20km đường giao thông nông thôn được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng.
Song song đó cũng thi công hoàn thành tuyến đường Đông Hà - Trà Tân, mở rộng đường nội thị thị trấn giai đoạn 3. Mặt khác còn hoàn thành hồ sơ để triển khai thực hiện các tuyến đường: Bắc Ruộng - Gia An, Nghị Đức - Đức Phú, đường N26 và nhựa hóa đường trung tâm xã Huy Khiêm trong năm 2023. Đồng thời tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mới tuyến Gia Huynh đi Sông Ui - Trảng Táo (giáp QL 1, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), tuyến đường vào khu quy hoạch Cụm công nghiệp Tánh Linh (thôn 3, xã Gia Huynh), đường vào khu quy hoạch Cụm công nghiệp 800 ha xã Suối Kiết và đường Lạc Hưng - Đồng Kho…
Đầu tư kết cấu hạ tầng đi trước một bước cùng với phát huy tối đa nội lực và tận dụng tiềm năng, lợi thế riêng có đã góp phần tạo “đường băng” cho kinh tế địa phương cất cánh trong giai đoạn mới. Thêm tin vui nữa là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn Bình Thuận) đưa vào khai thác cũng tiếp sức đưa Tánh Linh phát triển mang tính đột phá. Đặc biệt là kỳ vọng về lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... sẽ phát triển theo hướng nhanh và bền vững.
Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh Tánh Linh nhằm mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng và có thế mạnh của huyện. Tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo định kỳ hàng tháng để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký thực hiện, triển khai dự án trên địa bàn Tánh Linh…