Đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng luôn được tỉnh ta xác định là khâu đột phá, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cơ bản thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; nhận được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị; kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đã và đang ngày càng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phát huy hiệu quả.

Khu công nghiệp Mai Sơn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Khu công nghiệp Mai Sơn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Ảnh: TS

Quá trình triển khai, tỉnh ta đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đối với hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư theo hướng kết nối khá đồng bộ, hiệu quả với các địa phương trong vùng, nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xóa đói, giảm nghèo và tăng cường liên kết vùng. Tập trung hoàn thành việc nâng cấp đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 giai đoạn 2 (đoạn Gia Phù - Cò Nòi) và đoạn Km 446 - Km454+500 (qua đèo Chẹn); nâng cấp 6 tuyến đường tỉnh lộ với chiều dài 207 km; tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường từ huyện tới các trung tâm xã, một số tuyến đường ra biên giới từ các nguồn vốn ngân sách của Trung ương và ngân sách địa phương; từ năm 2014-2018, toàn tỉnh đã cứng hóa nhiều tuyến đường giao thông đảm bảo đi lại thông suốt 4 mùa ở 41 xã. Hiện, mật độ giao thông của tỉnh tăng từ 0,68km/km² lên 1,3km/km², vượt chỉ tiêu so với Quyết định 1959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Một số dự án giao thông quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, như: Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, tuyến tránh thành phố Sơn La đã được khởi động, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Đối với đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Từ năm 2014-2018, toàn tỉnh đã hoàn thành 25 dự án thủy lợi phòng, chống thiên tai, góp phần ổn định đời sống của nhân dân; triển khai thực hiện tái cơ cấu nông lâm sản vùng Chiềng Yên, Quang Minh, Xuân Nha (Vân Hồ), đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại huyện Mường La, Quỳnh Nhai... Hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng điện được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia năm 2015 là 86,7%, dự kiến năm 2020 đạt 97,5%. Hạ tầng đô thị được tập trung nguồn lực đầu tư, công tác quản lý phát triển đô thị đạt được những kết quả tích cực, cảnh quan đô thị có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2020 ước đạt 14,85%.

Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.275 công trình hạ tầng, với tổng kinh phí phân bổ và phân cấp từ ngân sách Trung ương cho các huyện, thành phố thực hiện là 868,42 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ đầu tư 284 công trình giao thông, 233 công trình thủy lợi, 12 công trình điện nông thôn, 374 công trình trường học, 352 công trình cơ sở vật chất văn hóa, 47 công trình trạm y tế xã, 149 công trình cấp nước sinh hoạt... Ước đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, hạ tầng huyện mới thành lập, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao và du lịch được quan tâm đầu tư ngày một đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng khả năng tiếp cận của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, hoàn thành nâng cấp một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, đến năm 2020 có 2 bệnh viện tuyến tỉnh đưa vào sử dụng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 550 giường và Bệnh viện nội tiết tỉnh), góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng huyện Vân Hồ. Đẩy mạnh chương trình triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà trẻ mẫu giáo; dự án giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn II; theo đó Đề án kiên cố hóa đã có 137/143 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, năng lực tăng thêm là 458 phòng học...

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như: hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tại các huyện, thành phố; đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dau-tu-ket-cau-ha-tang-thuc-day-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-27408